29/01/2020 - 10:32

“Mua chung, bán chung” để làm giàu 

 Năng động, đổi mới cung cách làm ăn, từng bước đưa nhà nông tham gia vào chuỗi sản xuất an toàn là cách làm được những người đứng đầu hợp tác xã (HTX) nỗ lực thực hiện. Cách làm này không chỉ giúp nhà nông “ăn nên làm ra”, mà còn tạo niềm tin cho nông dân tham gia vào thị trường “mua chung, bán chung”, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và HTX của thành phố.

Ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền (bìa trái) giới thiệu ưu điểm của mô hình trồng ổi ruột hồng theo tiêu chuẩn an toàn.

* “Đầu kéo” hợp tác

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2019, Liên minh HTX thành phố đã hỗ trợ nhiều HTX nông nghiệp thực hiện tốt các khâu dịch vụ đầu vào và đầu ra; kết nối cho các HTX tiếp cận các doanh nghiệp cung ứng phân bón, giống… mà không qua các khâu trung gian; đồng thời, hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất với quy mô lớn, tạo ra nguồn hàng với chất lượng và sản lượng ổn định, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Hiệu quả liên kết theo chuỗi mà các HTX nông nghiệp “gặt hái” ngày nay phải kể đến cách thức điều hành của người đứng đầu HTX - những “đầu kéo” luôn đặt lợi ích và lợi nhuận của thành viên trên hết; cùng nhà nông tham gia chuỗi sản xuất an toàn, tự tin bước vào thị trường “mua chung, bán chung”.

Vận động hàng trăm nhà nông hợp tác, trồng ổi ruột hồng theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn với diện tích trên 10ha, mỗi tháng cung ứng từ 20-22 tấn ổi cho doanh nghiệp chuyên sản xuất nước ép trái cây xuất khẩu. Đây là cả một quá trình dốc sức dốc lòng của chú Mười- Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Đến thăm vườn ổi của một xã viên đang chuẩn bị thu hoạch, những trái ổi chín màu vàng đẹp, chú Mười Tịnh phấn khởi nói: Nhờ trồng ổi ruột hồng theo hợp đồng với doanh nghiệp, đời sống bà con trong HTX  khấm khá, bởi chỉ cần có 3 công đất trồng ổi ruột hồng xen với cây vú sữa hay sầu riêng, bà con có thể kiếm lời từ cây ổi hơn 100 triệu đồng/năm, chưa tính lợi nhuận từ các loại cây trồng khác. Theo chú Mười Tịnh, HTX đã trải qua gian nan, buổi đầu khởi lập HTX vào năm 2015, HTX chỉ có 8 thành viên, diện tích sản xuất là 2,5ha, sản lượng thu hoạch của toàn HTX chỉ từ 1-2 tấn ổi/tháng, giá ổi được bao tiêu chỉ có 4.000 đồng/kg, nên khó thuyết phục bà con làm theo mình. Để nông dân tin HTX, bắt tay trồng ổi ruột hồng theo tiêu chuẩn, đòi hỏi người đứng đầu HTX phải có đủ uy tín và năng lực dẫn dắt bà con cùng làm theo quy trình, từ trồng, chăm sóc, đến thu hoạch, giao hàng. Các công đoạn này “tưởng khó mà dễ”, bởi hầu hết nông dân trồng ổi sẽ được doanh nghiệp thêm vào “nhóm trồng ổi” trên Zalo để quản lý trực tiếp theo mã số đã cấp cho từng hộ. Nhờ vậy, bà con trong HTX  thuần thục các quy trình trồng ổi theo tiêu chuẩn, từ đó tin vào HTX... 

* Mua chung, bán chung

Thành phố bây giờ đã có nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới nổi bật: HTX Khiết Tâm, HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (huyện Vĩnh Thạnh), HTX nông nghiệp Đại Lợi (huyện Thới Lai)… có diện tích sản xuất từ  200-1.000ha, có từ  40-100 thành viên, vốn điều lệ từ 1-6 tỉ đồng. Bước tiến mới của các HTX đã giúp nông dân không còn chịu cảnh làm ăn đơn lẻ, ngày càng tự tin tham gia vào thị trường “mua chung, bán chung”.

Năm 2019, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã hỗ trợ cho nhiều HTX trên địa bàn thành phố tham gia quảng bá hàng hóa, sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại.

Đổi mới “cách nghĩ, cách làm”, liên kết trực tiếp với doanh nghiệp theo hình thức “hợp đồng đầu tư”, đã giúp nông dân nuôi cá tra trong HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, mà không cần đầu tư quá nhiều vốn. Có được thành quả này là nhờ vào công của Giám đốc HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi- ông Huỳnh Thanh Bình, người đã đứng ra vận động các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, ít vốn tại địa phương, cùng nhau bắt tay “gây dựng” vùng nuôi cá tra, với tổng diện tích trên 20ha, mỗi năm cung cấp sản lượng từ 6.000-6.500 tấn cho các công ty xuất khẩu cá tra lớn ở TP Cần Thơ và tỉnh An Giang.Theo ông Huỳnh Thanh Bình, để người nuôi cá tra không bị lỗ nặng khi thị trường biến động và có được đầu ra ổn định, chỉ có con đường tất yếu là gầy dựng HTX để nhà nông cùng nhau “mua chung, bán chung”, cách làm này đã dẫn tới thành công của HTX, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, đàm phán, đến bao tiêu đầu vào và đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Phát huy vai trò “bà đỡ”, đưa nhà nông tham gia vào thị trường “mua chung, bán chung”, thời gian qua, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các HTX, lập hồ sơ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; giới thiệu nhiều doanh nghiệp thu mua, đầu tư làm việc trực tiếp với các HTX về cung cấp nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Năm qua, Liên minh HTX thành phố đã giới thiệu cho 7 HTX nông nghiệp tham gia dự án của Úc về hỗ trợ chuyển đổi công nghệ mới; bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX lập kế hoạch kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; tham gia hội nghị “Cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam và vai trò của HTX trong tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị”… Từ đó, giúp cho cán bộ quản lý ở các HTX nâng cao năng lực quản lý và điều hành; thực hiện chuyển đổi sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP; xây dựng thương hiệu, phát triển quy mô sản xuất, tạo ra nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cả về sản lượng lẫn chất lượng…  từng bước khẳng định vai trò của HTX trong tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết