29/01/2020 - 10:32

“Bắt tay” làm nông sản sạch 

Thay đổi các tập quán làm nông theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ là rất khó nhưng nhiều nông dân ở TP Cần Thơ vẫn quyết tâm liên kết lại để sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm “sạch” đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Phương thức làm ăn được đổi mới, liên kết với nhau theo chuỗi đã tạo ra các sản phẩm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Vú sữa VietGAP tại HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A.

* Đổi mới tư duy

Trong không khí se se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi về thăm lại vùng chuyên canh trồng vú sữa tập trung của Hợp tác xã (HTX) Vườn cây ăn trái Trường Khương A ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Bước vào vườn vú sữa được bao từng trái cẩn thận, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A Trần Văn Chiến tự hào cho biết: “Đây là năm thứ 2 HTX áp dụng kỹ thuật bao trái phòng sâu bệnh, tránh phải dùng thuốc hóa học để có trái vú sữa sạch. Thị trường ngày càng đòi hỏi cao, nông dân phải làm ra sản phẩm chất lượng và an toàn, đảm bảo mình an tâm “ăn được” mới mong bán cho người khác ăn lâu dài. Làm nông cũng cần phải có chữ tâm, xài phân thuốc nhiều, ảnh hưởng đến cả sức khỏe mình trong quá trình sản xuất và môi trường sống xung quanh”.

HTX có hơn 45ha trồng vú sữa đạt chuẩn VietGAP, trong đó có 33ha đang cho trái, mỗi năm có thể cung ứng ra thị trường hơn 230 tấn. Nông dân tại đây nhận được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp cùng các cấp chính quyền để trồng vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng thành công kỹ thuật bao trái và kết nối tốt với nhau. Nhà vườn không “ra khơi” một mình, doanh nghiệp cũng kịp thời liên kết thu mua trái vú sữa chất lượng của HTX để xuất khẩu với giá cao sang thị trường Mỹ. Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ở tỉnh Bến Tre đã cung cấp túi chuyên dùng bao trái và thu mua vú sữa của HTX. Biết HTX trồng vú sữa an toàn, nhiều người gọi điện đặt hàng và tìm đến tận nơi mua trái vú sữa về thưởng thức, sẵn sàng mua với giá cao hơn vú sữa bán trôi nổi ngoài thị trường.

Nông dân tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cũng liên kết thành lập HTX nông nghiệp Lộc Hưng để trồng xoài theo quy mô lớn, sản phẩm đồng đều về chất lượng và đảm bảo an toàn, với 31,5ha đạt chuẩn VietGAP. Ông Phan Văn Tây, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Hưng, nói: “Bây giờ, trái cây và nông sản nói chung cần được sản xuất theo quy mô tập trung đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn mới bán được vào các kênh bán hàng hiện đại và đưa đi xuất khẩu mang lại giá trị cao”. Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện Huỳnh Văn Chiến ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt cũng khẳng định, muốn nâng cao thu nhập và có đầu ra sản phẩm tốt, mình phải chịu đổi mới, sản xuất và bán những sản phẩm khách hàng cần chứ không phải bán cái mình có, đặc biệt sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

*Hướng đi tất yếu

Cần Thơ đã có hơn 146ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ở các địa phương hình thành các vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 229ha. Mô hình cánh đồng lớn (CĐL) được nhân rộng trong sản xuất lúa. Từ một CĐL ban đầu vào năm 2011 tại huyện Vĩnh Thạnh với 400ha, đến nay có 115 CĐL tại khắp các địa phương trồng lúa, với tổng diện tích hơn 29.490ha và 21.380 hộ dân tham gia. Trong lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi. Nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường, với tổng diện tích nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đạt hơn 288ha.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: “Các sản phẩm nông sản của nước ta đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt ở cả thị trường quốc tế và nội địa, về giá, chất lượng và về an toàn thực phẩm. Xu hướng liên kết và hợp tác là tất yếu, thành phố tiếp tục hỗ trợ  người dân thực hiện để sản xuất hàng hóa lớn đủ sức cạnh tranh. Việc hình thành các HTX là rất quan trọng, đảm nhận vai trò tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất, đồng thời cung ứng các dịch vụ phục vụ xã viên và chủ động liên kết với doanh nghiệp, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Mô hình trồng ổi ruột hồng an toàn tại huyện Thới Lai được Công ty Cổ phần Vườn trái cây Cửu long bao tiêu.

Hiện nay, nhiều đơn vị doanh nghiệp xuất khẩu, phân phối, tiêu thụ hàng nông sản đã “bắt tay” với nông dân để hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An ở Cần Thơ liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, cho ra đời gạo thơm hương lài, lài sữa, trắng tép, Việt Đài, Japonica, Jasmine 85, lứt tím than. Công ty Lương thực Sông Hậu có gạo bông bưởi vàng, bông sứ đỏ, bông trạng nguyên đỏ. Công ty Cổ phần Gentraco có gạo thơm Miss Cần Thơ… Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết, để có vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, công ty không chỉ cung cấp lúa giống, vật tư đầu vào đến cuối vụ mới thanh toán tiền mà còn thu mua lúa nông dân CĐL với giá cao hơn từ 100-150 đồng/kg so với bên ngoài. Bà Trần Thị Thùy Linh, phụ trách bộ phận thu mua thực phẩm tươi sống của Hệ thống siêu thị Big C tại miền Nam, cho biết, đơn vị có 11 nhà cung cấp hàng tại Cần Thơ, trong đó có cả nông hộ và HTX. Big C đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và tập huấn cho nông dân tại các HTX và trang trại tiếp cận và nắm rõ các tiêu chuẩn chất lượng, quy trình cung cấp hàng cho kênh phân phối hiện đại. Big C áp dụng chế độ thanh toán tiền linh động, doanh nghiệp lớn thì thanh toán tiền hàng trong 15-30 ngày, với nông  hộ chỉ trong 3-7 ngày, HTX từ 7-15 ngày.

Ở Cần Thơ, nhiều mô hình sản xuất đã và đang hợp tác tích cực và tạo thuận lợi cho nông dân liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ để có đầu ra sản phẩm ổn định, an tâm sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Càng mừng hơn khi từ nền tảng liên kết này, thành phố xây dựng nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến “bàn ăn”, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết