29/01/2020 - 10:32

ABCD Mekong liên kết, thúc đẩy 

Nhóm liên kết 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) từ năm 2015 thường niên tổ chức diễn đàn Mekong Connect. Chủ đề đưa ra bàn thảo với những nội dung rất thiết thực: làm gì để vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Khi mà, TP Cần Thơ  xác định là trung tâm kết nối của mạng lưới liên kết ABCD Mekong - đầu kéo để ĐBSCL đi tới...

Các địa phương khối liên kết ABCD Mekong quảng bá nông sản đặc trưng tại Diễn đàn Mekong Connect 2019.

Kết hợp sức mạnh

Nông trại Cần Thơ Farm, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ có nhiều đặc sản nông sản của vùng ĐBSCL, sẵn sàng phục vụ du khách tại chỗ hoặc đóng gói theo du khách từ các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí đi cả Thái Lan. Mô hình nông trại xanh Cần Thơ Farm của ông Nguyễn Văn Phong là một trong những mô hình liên kết Mekong thành công. Không chỉ là nơi thường xuyên mở các lớp huấn luyện cho học trò, nông trại còn là nơi trò chuyện giữa các nhà vườn chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch. Thậm chí nhiều kiều bào ở nước ngoài về cũng tới đây để tham khảo, góp ý để tạo thành khu vườn đa dạng cây trồng.

Sau 3 năm thành lập mô hình hội quán nông dân ở tỉnh Đồng Tháp, đến nay  toàn tỉnh đã có 84 hội quán nhiều ngành nghề với hơn 4.770 hội viên: sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, văn nghệ sĩ... và nhà trọ công nhân. Mô hình hội quán hướng tới phát triển các loại hình hợp tác, liên kết hiệu quả. Nhiều hội quán đã liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và gắn kết với các siêu thị trong tiêu thụ sản phẩm.

Mục tiêu hành động của ABCD Mekong xác định ngay từ đầu là hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), các đơn vị khởi nghiệp, bởi đây là đối tượng doanh nghiệp chiếm đa số ở ABCD nói riêng, ĐBSCL nói chung. Lãnh đạo các tỉnh trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong đánh giá, các SMEs còn hạn chế về nguồn lực và thiếu khả năng tiếp cận để có thể tham gia hội nhập, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức, rủi ro. Doanh nghiệp cần phải liên kết để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhóm ABCD Mekong được xem là tác nhân thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đến cộng đồng, tạo lập diễn đàn để các ý tưởng, mô hình được trình bày và chia sẻ. Có khá nhiều tín hiệu lạc quan từ các hoạt động này, qua quá trình chia sẻ thông tin và phân tích xu hướng phát triển qua các kỳ diễn đàn, các hoạt động liên kết đã được chú trọng hơn rất nhiều và rõ nhất là các hoạt động liên kết trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Liên kết ABCD Mekong, mỗi địa phương sẽ có những lợi thế riêng, sẽ kết hợp sức mạnh, nâng giá trị mới cho ĐBSCL. TP Cần Thơ là cửa ngõ kết nối toàn cầu, có điều kiện tốt đóng vai trò chủ lực trong liên kết. Mỗi địa phương đều có hướng đi riêng, chẳng hạn trong lĩnh vực nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh An Giang đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho các mặt hàng nông sản chủ lực; Bến Tre được biết đến với phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp và những lợi thế về phát triển tài nguyên bản địa; Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND Đồng Tháp luôn miệt mài tìm tòi, thúc đẩy tìm mọi cách để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp siêu nhỏ đi tiếp thị sản phẩm của mình… Vì vậy, nếu chúng ta liên kết lại với nhau thì sẽ tăng cơ hội kinh doanh - bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nói.

Tại các diễn đàn Mekong Connect cũng luôn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá sản phẩm.

Mekong kết nối

Quan điểm của Mekong Connect là kết nối. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất đối với vùng ĐBSCL là làm gì để nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng và công nghệ hỗ trợ kinh tế nông nghiệp. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, tại Diễn đàn Mekong Connect 2019, các địa phương đã giới thiệu các mô hình sản xuất nông sản sạch; các mô hình liên kết chuỗi giá trị, giảm rủi ro cho nông sản; đẩy mạnh thương mại hóa cho nông sản; bàn về áp dụng công nghệ đi vào cuộc sống như thế nào;... Đối với ĐBSCL, phát triển bền vững mang yếu tố rất quan trọng, đó là làm sao để thay đổi cách làm nông nghiệp, làm sao chuyển từ làm nông nghiệp dựa trên hóa chất thay vào đó dựa trên sự an toàn, sinh học, công nghệ nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường cho người sản xuất và tiêu dùng...

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thẳng thắn chia sẻ, nhóm ABCD Mekong đã và đang thực hiện khá tốt vai trò người tạo lập diễn đàn để chia sẻ, đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, do sự hợp tác còn gói gọn trong 4 tỉnh/thành phố với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) nên chưa thu hút được sự quan tâm ở cấp cao hơn. Muốn phát triển mối liên kết có ý nghĩa cho cả vùng ĐBSCL thì cần có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách cao cấp ở Trung ương và các tổ chức quốc tế lớn hơn nữa. Nhóm ABCD Mekong cũng tự hiểu rằng chỉ có 4 thành viên thì cũng sẽ còn nhiều khó khăn cho hợp tác liên kết vùng, nếu có thể trong những năm tới, cần nghiêm túc tính đến việc mở rộng thành viên. Ngay bây giờ, để hợp tác phát triển với Bến Tre thì không có cách nào khác An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp phải có sự kết nối thông qua Vĩnh Long và Trà Vinh. Đó là điều chúng tôi cũng đang suy tính...

*   *    *

Ngạn ngữ có câu “Nếu muốn đi thật nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi thật xa, hãy đi cùng nhau”. Hy vọng, với những nỗ lực của sự liên kết ABCD Mekong sẽ là bản lề để kết nối để vùng ĐBSCL phát triển và đi xa hơn. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng, liên kết tới đây không chỉ ở nhóm 4 địa phương mà còn mở rộng ra, kết nối với các địa phương còn lại, tạo ra mạng lưới liên kết toàn vùng, từ đó sẽ tạo sức mạnh mới, bổ sung nguồn lực cho nhau để cùng thắng.

Bài, ảnh: Nam Hương

Chia sẻ bài viết