28/01/2020 - 16:12

Hàng Việt đã chinh phục thành công 

Ăn thử một vài món Việt tại cửa hàng bán đặc sản ở quận Ninh Kiều, ông Kevin, du khách người Canada, ngạc nhiên nói: “Ngon tuyệt! Các món ăn đều rất tươi ngon. Tôi nghĩ, để làm ra được những sản phẩm như vầy chắc chắn nhà sản xuất phải rất kỹ lưỡng trong khâu sản xuất/chọn nguyên liệu”. Nhận xét này rất trúng! Không chỉ vậy, kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Cần Thơ năm 2019, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, mua sản phẩm hàng Việt đạt tới 72,9%...

Chinh phục người tiêu dùng

Đại biểu dự khai trương một cửa hàng kinh doanh hàng Việt tại Cần Thơ tìm hiểu về sản phẩm bày bán tại cửa hàng. 

Thời gian qua, để người tiêu dùng Việt hiểu, tin dùng hàng Việt, không chỉ thông qua việc tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; các nông sản, đặc sản địa phương. Đặc biệt, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và các nhà sản xuất đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, bền bỉ tham gia hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động. Để rồi, suốt một thập kỷ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, thúc đẩy sản xuất. “Quả ngọt” chính là người tiêu dùng ngày càng tin dùng hàng Việt.

Hơn 23 năm hoạt động, hệ thống siêu thị Co.opmart phát triển chiến lược “nội địa hóa” nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. Bằng việc bền bỉ thực hiện chiến lược này, đến nay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 90% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Bà Châu Bảo Nguyên, đại diện Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, cho biết, siêu thị đã thực hiện các chính sách hỗ trợ: ưu tiên các doanh nghiệp Việt trong chính sách mua hàng, diện tích và vị trí trưng bày hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm mới; tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện tháng hàng Việt trong chương trình “Tự hào hàng Việt”. Đặc biệt, Co.opmart hợp tác với các nhà sản xuất trong nước uy tín, phát triển nhãn hàng riêng Co.opmart.

Sản phẩm gạo nhãn hiệu Sông Hậu (Bông bưởi, Bông sứ, Bông trạng nguyên, Tây Đô) đã có mặt tại các cửa hàng, đại lý, tiệm tạp hóa trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh, thành ĐBSCL phục vụ người dân với mức tiêu thụ bình quân 1.200 tấn gạo/năm. Suốt 10 năm qua, Công ty Lương thực Sông Hậu còn là 1 trong 7 doanh nghiệp nỗ lực tham gia chương trình bình ổn giá tại Cần Thơ.

Để chinh phục người tiêu dùng, ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa, chia sẻ, doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm chiến lược mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững và giá trị cho khách hàng. Trong chiến lược cạnh tranh ở giai đoạn mới, Phạm Nghĩa tập trung vào đổi mới và sáng tạo. Đó là tham gia sâu vào chuỗi giá trị, luôn tập trung vào các yếu tố đổi mới, chất lượng đầu ra và khâu phân phối. Công ty tận dụng tối đa những lợi thế hiện có để tạo giá trị bền vững, xây dựng đội ngũ nhân lực ngày càng chất lượng và tạo ra những sản phẩm tiện lợi với tiêu chí “cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm họ cần mà họ chưa biết”.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, giới thiệu với khách nước ngoài về các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. 

Để hàng Việt phát triển bền vững

Theo Bộ Công thương, hiện nay tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%). 

Bước qua trang mới của Cuộc vận động, trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện 3 đột phá: chiến lược gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế... Cùng đó, các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, dịch vụ không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; phát triển và mở rộng thị trường nội địa. Đổi mới phương thức triển khai Cuộc vận động theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tăng tính tự chủ của nền kinh tế đất nước trong tình hình mới.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước sức ép và động lực phải tạo ra bước ngoặt mới để phát triển. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng, đây là cơ hội quyết định hướng đi mới. Doanh nhân Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp cần xác định vai trò, nhiệm vụ của mình trong phát triển của đất nước của từng ngành, vùng; nâng cao tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết và sáng tạo để vượt lên chính mình, cùng nhau phát triển.

Cuộc vận động đã lan tỏa, dù cho thời gian tới hàng hóa nước ngoài khi không còn rào cản thuế quan sẽ dễ dàng vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh lớn. Nhưng niềm tin hàng Việt của người Việt đã lớn mạnh. Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, để nuôi dưỡng niềm tin ấy cần quan tâm đến các vấn đề: tập trung vào khâu sản xuất, đây là khâu quan trọng. Cốt lõi vấn đề là phải có công nghệ sản xuất hàng hóa tiên tiến. Nghiên cứu các biện pháp phát triển chợ đầu mối tạo ra luồng hàng hóa có uy tín và đặc biệt phải thực hiện tốt kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng gian, hàng giả. Cùng đó, công tác tuyên truyền Cuộc vận động rất cần được tiếp tục xem trọng...

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết