27/12/2020 - 07:30

“Mẹ ơi, chúng ta cần thức ăn!” 

Đó là câu nói mà hai con mới 5 và 7 tuổi của Kallayn Keneng - một phụ nữ Nam Sudan - thốt lên trước khi chết vì quá đói, còn bà thì không còn gì thứ gì để cho con ăn sau gần một tuần trốn tránh bạo loạn. Đáng buồn là người mẹ 40 tuổi không còn đủ sức để chôn cất con, mà chỉ có thể phủ cỏ lên thi thể hai đứa trẻ rồi bỏ lại trong rừng.

Kidrich Korok, một phụ nữ ở Lekuangole, khóc khi nhớ đến con trai 9 tuổi đã mất vì đói hồi tháng 7. Ảnh: AP

Kidrich Korok, một phụ nữ ở Lekuangole, khóc khi nhớ đến con trai 9 tuổi đã mất vì đói hồi tháng 7. Ảnh: AP

Giờ đây, Keneng đang chờ nhận viện trợ lương thực và nằm trong số hơn 30.000 người dân khổ sở vì cảnh đói khát ở quận Pibor, bang Boma. Phát hiện gần đây của các chuyên gia an ninh lương thực quốc tế cho thấy Pibor có thể là nơi đầu tiên của thế giới rơi vào nạn đói kể từ khi nạn đói được tuyên bố vào năm 2017 ở bang Unity, một vùng khác cũng ở Nam Sudan.

Theo Hãng tin AP, quận Pibor năm nay chứng kiến tình trạng ​​bạo lực chết chóc và lũ lụt chưa từng có, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực cứu trợ. Như tại thị trấn Lekuangole, có 13 trẻ đến từ 7 gia đình chết đói từ tháng 2 đến tháng 11. Người đứng đầu Lekuangole, ông Peter Golu, cho biết đã nhận những báo cáo chưa từng có từ giới chức địa phương về việc có 17 trẻ đã chết đói tại thị trấn và các làng lân cận từ tháng 9 đến tháng 12. Còn tại thị trấn Pibor, nhiều bà mẹ và trẻ em bị suy dinh dưỡng đang chờ đợi hàng giờ bên ngoài các phòng khám y tế, với hy vọng xin được thức ăn.

Tình hình tại Pibor nghiêm trọng đến nỗi 3 cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tuần trước ra một thông báo chung kêu gọi được tiếp cận ngay lập tức các khu vực của quận, nơi người dân đang phải đối mặt với mức độ đói thảm khốc. Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cung cấp viện trợ trong năm nay. Khoảng 700 tấn thực phẩm - số lượng đủ để nuôi sống 72.000 người - đã bị đánh cắp ở quận Pibor và bang Jonglei, trong khi một cụ bà bị thiệt mạng vì vụ máy bay ném thực phẩm cứu trợ ở Lekuangole hồi tháng 10. WFP cho biết họ cần hơn 470 triệu USD trong 6 tháng tới để giải quyết cuộc khủng hoảng đói.

Theo cảnh báo mới đây từ LHQ, Nam Sudan nằm trong số 4 quốc gia có nhiều vùng có thể rơi vào nạn đói (3 nước còn lại là Yemen, Burkina Faso và Đông Bắc Nigeria). Quốc gia Đông Phi này đang phải vật lộn để phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài 5 năm. Các chuyên gia an ninh lương thực cho biết tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đói hầu hết là do các cuộc giao tranh, bao gồm bạo lực trong năm nay giữa các cộng đồng được chính phủ và phe đối lập hậu thuẫn. Ông David Shearer, người đứng đầu phái bộ LHQ tại Nam Sudan, cho biết hơn 2.000 người dân đã thiệt mạng trong năm nay do xung đột trong nước. Tình trạng bạo lực cũng ngăn cản người dân trồng trọt, phong tỏa các tuyến đường tiếp tế lương thực, đốt phá chợ và giết chết nhân viên cứu trợ.

Chính phủ Nam Sudan cũng dự đoán 60% dân số nước này - vào khoảng 7 triệu người - có thể đối mặt với nạn đói cực độ vào năm 2021. Đáng lo ngại, tổ chức nhân đạo hàng đầu về trẻ em Save the Children cho biết tình trạng xung đột kéo dài, lũ lụt và di tản đã đẩy ít nhất 1 triệu trẻ em Nam Sudan đến bờ vực của nạn đói, đồng thời cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đói quy mô lớn đang ảnh hưởng đến trẻ em nước này. Cũng theo Save the Children, Nam Sudan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao nhất trên thế giới, khi cứ 1.000 trẻ là có hơn 90 em chết trước 5 tuổi.

NGUYỆT CÁT (Theo Dailysabah.com)

Chia sẻ bài viết