15/05/2022 - 12:15

“Lợi kép” khi khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp 

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, những năm gần đây, khám sức khỏe (KSK) định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp (BNN) được chủ sử dụng lao động và người lao động rất quan tâm. Bởi cả hai đều được lợi ích từ hoạt động này.

Nhân viên CDC TP Cần Thơ đo thính lực cho người lao động tại Công ty Thép Tây Đô.

Sáng 11-5-2022, các y, bác sĩ của CDC Cần Thơ đã đến Công ty TNHH Thép Tây Ðô (Khu công nghiệp Trà Nóc 1) để KSK định kỳ, khám BNN cho người lao động. Tại buổi khám, người lao động được các bác sĩ khám nội, ngoại, da liễu, mắt - răng hàm mặt, tai mũi họng, chụp X-quang phổi; đo thính lực (công nhân xưởng cán); vi sinh đường ruột, ký sinh trùng đường ruột (người lao động làm việc ở căn tin).

Buổi KSK định kỳ đã thu hút rất đông người lao động đến khám. Ðại diện công ty cho biết đây là hoạt động thường niên. Công ty chi trả toàn bộ chi phí khám. Năm nay, vừa trải qua đợt dịch COVID-19 nên chụp X-Quang phổi cho người lao động để tầm soát bệnh về phổi, các tổn thương hậu COVID-19 ở phổi. Ngoài tổ chức khám tập trung tại công ty, những trường hợp còn lại tiếp tục đến trụ sở CDC Cần Thơ để khám. Kết quả khám sẽ được thông báo riêng cho cá nhân. Khi kết quả khám có bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn người lao động kiểm tra, thực hiện xét nghiệm, cận lâm sàng ở các bệnh viện. Qua nhiều năm tổ chức khám, tỷ lệ người lao động tham gia luôn đạt trên 90%.

Theo CDC Cần Thơ, công tác KSK định kỳ, khám BNN được thực hiện theo Ðiều 21, Luật An toàn vệ sinh lao động. Theo đó, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức KSK ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi thì được KSK ít nhất 6 tháng/lần. Khi KSK theo quy định tại khoản 1 Ðiều 21, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây BNN phải được khám phát hiện BNN.

Chi phí cho hoạt động KSK, khám phát hiện BNN, điều trị BNN cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Ðiều 21 và hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.

Danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BLÐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. KSK, BNN được hướng dẫn tại: Thông tư 14/2013/TT-BYT về hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ; Thông tư 28/2016/TT-BYT, hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp; Thông tư 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động.

Ông Nguyễn Nhân Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, CDC Cần Thơ, cho biết: Những năm gần đây các sở, ban, ngành, liên đoàn lao động... thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tổ chức KSK định kỳ, khám BNN cho người lao động. Vì thế, ngày càng nhiều nơi tổ chức khám cho người lao động. Bên cạnh đó, từ tâm lý e ngại khám “ra bệnh”, nhiều người lao động đã tích cực tham gia khám.

Các chủ sử dụng lao động cũng tổ chức các hình thức khám tại công ty, tại cơ sở y tế để thuận tiện cho người lao động tham gia khám đầy đủ. Khi kết quả có bất thường thì hướng dẫn người lao động dùng bảo hiểm y tế đến bệnh viện kiểm tra, điều trị và hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định.

Theo ông Nguyễn Nhân Nghĩa, việc KSK định kỳ, khám BNN đem lại lợi ích cho cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Về phía chủ sử dụng lao động, đảm bảo được năng suất lao động của doanh nghiệp, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người lao động; phân công lao động phù hợp với sức khỏe của người lao động, giảm nguy cơ tai nạn lao động. Về phía người lao động, việc khám, phát hiện sớm bệnh, điều trị sớm, hiệu quả điều trị cao, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết