20/04/2019 - 12:08

“Lên tiếng” trong hôn nhân 

Trong hôn nhân, giao tiếp được xem là yếu tố quan trọng, cần thiết giúp duy trì, vun đắp hôn nhân bền vững, hạnh phúc. Có những cặp vợ chồng tuy “khắc khẩu”, hễ gặp mặt nhau nói chuyện dăm ba câu là cự cãi… nhưng lại “ăn đời ở kiếp”. Trong khi có những cặp đôi “không nói không rằng” những tưởng hạnh phúc ấm êm, lại bất ngờ ly hôn bởi sự thinh lặng từ hai phía…

Giao tiếp khéo léo trong hôn nhân có thể hóa giải những hiểu lầm, mâu thuẫn. Ảnh minh họa từ Internet

Giao tiếp khéo léo trong hôn nhân có thể hóa giải những hiểu lầm, mâu thuẫn. Ảnh minh họa từ Internet

 

Đôi khi im lặng không là… vàng

Tin vợ chồng anh P. và chị L. (quận Bình Thủy) ly hôn khiến không ít người thân, bạn bè ngỡ ngàng bởi từ khi kết hôn, chưa ai thấy giữa cặp đôi này xảy ra chuyện lục đục, bất hòa, thậm chí một lời to tiếng cũng không có. Chia sẻ về hôn nhân của mình, chị L. bộc bạch: "Mấy năm nay, chúng tôi sống chung dưới một mái nhà, nhưng tâm trí để ở hai nơi. Sợi dây ràng buộc duy nhất là hai đứa con, chúng còn quá nhỏ để hiểu những xích mích, mâu thuẫn của cha mẹ. Chúng tôi quyết định ly hôn để giải thoát cho cả hai…".  Cũng theo chị L., khi mới xảy ra vấn đề, vợ chồng cũng có ngồi lại trao đổi và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, sau những nỗ lực hòa giải bất thành, chị L. đã chọn cách im lặng, khiến hôn nhân rơi vào bế tắc.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người cho rằng, việc thiếu giao tiếp đã gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc, khiến hôn nhân dần đi vào ngõ cụt. Chị H.H. (quê Sóc Trăng) tâm sự: "Tôi yêu chồng khi còn là sinh viên, lúc ấy, anh là thợ hồ. Tôi cứ tưởng nghề nghiệp, trình độ, thu nhập… không quan trọng; miễn sao hai người đồng cam cộng khổ, cùng nhau vun đắp tổ ấm là được. Nhưng tôi không ngờ chính những điều tưởng chừng nhỏ nhặt đó lại chính là nguyên nhân khiến "vách ngăn" giữa chúng tôi ngày càng lớn". Chồng chị H. không có chí tiến thủ, lại mặc cảm thua sút vợ dẫn đến ghen tuông vô cớ, hằn học chị đủ điều. Không tìm được tiếng nói chung, hai người quyết định chia tay khi có với nhau bé gái 4 tuổi.

Thực tế cho thấy, khi vợ chồng không còn đủ ngôn ngữ, thời gian và sự kiên nhẫn dành cho nhau nghĩa là hôn nhân không còn có thể cứu vãn. Kể về chuyện hôn nhân đổ vỡ đã qua, chị O. (quận Cái Răng) nói: "Khi nhận thấy giữa hai vợ chồng có những xích mích, bất hòa, không tìm được tiếng nói chung, tôi đã chủ động ngồi lại với chồng hầu tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng. Có lúc tôi bỏ qua tự ái, sĩ diện của bản thân để "làm hòa", phân tích những mâu thuẫn, chia sẻ những suy nghĩ, cảm giác của mình… nhưng chồng vẫn không hồi tâm chuyển ý. Đến khi tôi im lặng cũng là lúc chúng tôi chia tay".

Tự điều chỉnh trước khi quá muộn

Theo các chuyên gia tâm lý, việc thiếu giao tiếp trong hôn nhân chính là nguyên nhân khiến nhiều mâu thuẫn phát sinh bởi một khi những cảm xúc, suy nghĩ không được bày tỏ, chia sẻ thì rất dễ xảy ra những hiểu lầm, xích mích. Chị M. (quận Ninh Kiều) kể: "Do sống riêng nên cuộc sống của hai vợ chồng tôi khá thoải mái. Công việc của cả hai khá bận rộn, lại làm ở hai lĩnh vực trái ngược nhau nên vợ chồng ít khi chia sẻ và có chủ đề chung để nói chuyện. Vả lại, ông xã tôi cũng dễ tính, không câu nệ chuyện bếp núc, bữa cơm gia đình vì thế cũng thưa dần…". Những tưởng cuộc sống gia đình như vậy là ổn, chị M. mải mê đeo đuổi việc học hành, tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp, chưa vội sinh con. Chị không ngờ chính sự vô tâm của mình lại là nguyên nhân khiến hôn nhân có nguy cơ rạn nứt. Chị M. bộc bạch: "Thì ra ông xã tôi đã mong muốn có con từ lâu nhưng mỗi lần đề cập đến chuyện này, tôi lại gạt ngang, khiến anh càng thêm ức chế. Ngay cả chuyện ăn cơm nhà, tuy trong lòng anh rất thích nhưng thấy công việc tôi bận rộn sợ tôi vất vả nên "vờ" không để ý. Phải chi lúc đó ông xã thẳng thắn chia sẻ, chắc vợ chồng tôi đã không mất gần 1 năm "ly thân" và nhờ gia đình hai bên khuyên ngăn mới hàn gắn được".

Giao tiếp một cách khéo léo, tinh tế là rất cần thiết cho bất kỳ cuộc hôn nhân nào. Nói chuyện theo cách phàn nàn, phê phán hoặc làm tổn thương bạn đời, bác bỏ những gì bạn đời nói, phủ nhận hoặc thờ ơ thay vì tiếp thu những gì nghe được sẽ chỉ làm cho tình trạng hôn nhân xấu đi. Những hiểu lầm, mâu thuẫn nhỏ, nếu không có sự chia sẻ, giãi bày kịp thời, cụ thể, rất dễ phát sinh những suy diễn, bất hòa không đáng có. Trường hợp của gia đình chị N. (quận Bình Thủy) là một ví dụ. Chị N. tâm sự: "Mấy tháng nay, không khí gia đình tôi rất tẻ nhạt, đi làm về tôi chỉ biết làm bạn với ti-vi hoặc lên mạng đọc báo. Con cái đứa lập gia đình, đứa đi làm bận rộn, cuối tuần mới về thăm nhà. Còn ông xã tôi, sau giờ làm cứ đọc sách đến tận khuya, không hề quan tâm đến cảm xúc của vợ. Ở nhà mãi cũng chán, nên tôi thường xuyên rủ bạn bè đi cà phê, mua sắm, làm đẹp… để giết thời gian". Chị N. không biết rằng chính những "thay đổi" này của chị đã khiến chồng sinh nghi, nhiều lần anh muốn góp ý nhưng sợ chị giận nên thôi. Chỉ đến khi nghe con gái nói lại, chị mới "giật mình" và tự điều chỉnh, cân bằng lại cuộc sống gia đình…

TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết