Bài, ảnh: LÊ VINH
Chưa từng học về xây dựng, chỉ theo cha phụ hồ, nhưng đến nay ông Danh Hùng đã thiết kế, xây dựng hơn 40 cây cầu giao thông nông thôn, nhà ở cho hộ nghèo và cả chánh điện chùa. Người dân địa phương quen gọi ông Hùng là “kỹ sư không bằng cấp”.
Ông Danh Hùng (giữa) với ngôi chùa Sóc Ven mới do ông thiết kế, xây dựng.
Ông Danh Hùng (64 tuổi) sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc ấp An Hưng, xã Ðịnh An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Do địa bàn xã Ðịnh An có rất nhiều kênh, rạch, người dân thường xuyên đi lại qua những cây cầu khỉ trơn trượt. Ðiều này làm ông Hùng trăn trở. Với mong muốn đóng góp công sức xây dựng quê hương, cuối những năm 1980, ông Hùng thường xuyên theo cha - ông Danh Họn, đi khắp các vùng quê ở Gò Quao xây dựng cầu, làm đường giao thông nông thôn từ thiện. “Những ngày theo cha, tôi học hỏi kinh nghiệm thiết kế xây cầu với kinh phí thấp, tiết kiệm nhưng đảm chất lượng” - ông Hùng tâm sự.
Ông Dương Ðẹp, người từng nhiều năm cùng ông Hùng xây cầu từ thiện, cho biết mỗi lần xây cầu hay làm nhà, ông Hùng thường vận động người thân trong gia đình trước rồi mới vận động các nhà hảo tâm. Ông không vận động tiền, mà chỉ vận động vật liệu, ngày công lao động của người dân gần nhà và tại địa bàn thụ hưởng công trình.
Cuối tháng 4-2023, bà Thị Nhâm (63 tuổi, ở ấp An Thuận, xã Ðịnh An) rất vui khi vào ở trong căn nhà mới trị giá hơn 70 triệu đồng. 3 chị em bà Nhâm độc thân, làm thuê kiếm sống qua ngày. Cuộc sống chật vật, chị em bà Nhâm không dám mơ có được ngôi nhà khang trang. Ðầu năm 2023, UBND xã Ðịnh An vận động nhà hảo tâm 40 triệu đồng hỗ trợ bà Nhâm xây dựng căn nhà mới, nhưng với số tiền ấy rất khó để bà có được căn nhà tươm tất. Biết chuyện, ông Hùng đứng ra “bảo lãnh” xây dựng, “tài trợ” luôn toàn bộ ngày công lao động, chi phí xây dựng. “Căn nhà hoàn thành, phát sinh thêm hơn 30 triệu đồng, tất cả đều do ông Hùng hỗ trợ. Chị em tôi rất cảm ơn ông ấy” - bà Nhâm bộc bạch.
Cuộc sống ổn định, từ năm 2000, ông Hùng để lại toàn bộ ruộng đất cho 4 người con sản xuất, tập trung vào xây cầu, làm nhà từ thiện. Theo thống kê, từ năm 1985 đến nay, ông Hùng vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, phối hợp chính quyền địa phương bắc mới 40 cây cầu tại xã Ðịnh An, kinh phí mỗi cây cầu từ 40-100 triệu đồng. Tại mỗi cây cầu xây dựng, ông Hùng huy động khoảng 12-13 người làm (ngày bình thường), từ 50-100 người tham gia (ngày khởi công, đổ trụ bê tông cầu). Tất cả ngày công, ăn uống đều do ông vận động người thân, người dân địa bàn hưởng thụ công trình đóng góp.
Ông Quảng Trọng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ðịnh An, cho biết: Những năm qua, ông Hùng có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhất là xây cầu, làm lộ giao thông nông thôn, xây nhà cho hộ nghèo. Nhờ ông Hùng, cầu bê tông dần thay thế cho cầu khỉ.
Mỗi năm, vào dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khmer, Tết Nguyên đán, ông Hùng còn vận động người thân, nhà hảo tâm gần 100 triệu đồng mua quà tặng người nghèo, người già neo đơn, người khuyết tật... Bà Lưu Thị Hạnh ở ấp An Phước, xã Ðịnh An, cho biết: “Ông Hùng siêng năng, thật thà, tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ bà con nghèo nên ai cũng quý. Mỗi lần xây xong một cây cầu ông đều báo cáo với nhân dân kinh phí xây dựng rõ ràng để dân giám sát. Cầu do ông Hùng thiết kế, xây dựng có kinh phí thấp nhưng rất chắc”.
Ngôi chùa Sóc Ven ở ấp An Lợi, xã Ðịnh An, sau hơn 10 năm trùng tu, xây dựng giờ đẹp đẽ, khang trang hơn. Từng họa tiết trên chánh điện, ngôi sala 2 tầng, cổng hàng rào được chạm khắc tinh xảo, phối màu đẹp, vững chắc… có công đóng góp không nhỏ của ông Hùng.
“Tôi chuẩn bị xây mới cầu kinh Cống số 4 nối liền xã Ðịnh An và Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, trị giá gần 100 triệu đồng do nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh tài trợ. Ngoài ra, 2 cây cầu khác do tôi thiết kế, xây dựng cũng đang khẩn trương hoàn thành” - ông Hùng cho biết.