27/06/2019 - 09:02

“Ký sinh trùng”
Tấn bi hài kịch đặc sắc của điện ảnh Hàn 

“Ký sinh trùng” (Parasite) mang về cho điện ảnh Hàn Quốc Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes 2019 và làm bùng nổ các rạp chiếu tại Việt Nam khi chỉ sau 4 ngày phim đạt doanh thu ước tính hơn 15 tỉ đồng. Phim đạt 98% phản hồi tích cực trên Rotten Tomatoes, đã được bán bản quyền cho hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu ở các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Gia đình Ki-woo sống bần hàn trong phim.

Gia đình Ki-woo sống bần hàn trong phim.

Nội dung phim xoay quanh hai gia đình ở thái cực đối lập hoàn toàn trong xã hội Hàn Quốc. Ki-woo cùng cha, mẹ và em gái sống ở căn nhà “ổ chuột” tồi tàn và tất cả đều thất nghiệp. Người bạn thân đi du học đã giới thiệu Ki-woo thay mình làm gia sư kèm Anh văn cho con gái một gia đình giàu có. Ki-woo lại giới thiệu em gái mình đến dạy kèm mỹ thuật cho cậu con trai út. Sau đó, hai anh em lần lượt tìm cách đưa cha, mẹ vào làm tại nhà của giám đốc Park. Để qua mặt vợ chồng ông chủ, mọi người đều có vỏ bọc hoàn hảo và tỏ ra không quen biết nhau. Một ngày, cả nhà giám đốc Park đi dã ngoại, gia đình Ki-woo sung sướng tận hưởng cảm giác làm chủ của căn nhà tiện nghi, rộng lớn thì bà quản gia cũ bất ngờ quay lại. Từ đây, hàng loạt tình huống rắc rối nảy sinh và những điều bất ngờ xảy ra khiến cả gia đình Ki-woo đau đầu tìm cách đối phó…

Tựa phim “Ký sinh trùng” mang nghĩa ẩn dụ được thể hiện rõ ràng khi không chỉ một mà có đến 2 gia đình nghèo sống bám vào một gia đình giàu có. Và 2 gia đình này khi phát hiện bí mật của nhau đã uy hiếp nhau, dẫn đến một bi kịch đau lòng. Có thể nói, kịch bản phim không chỉ hấp dẫn mà còn liên tục thay đổi với những tình huống khó đoán, dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Phim không phát triển quá nhiều tâm lý nhân vật mà chỉ phát triển hành vi của nhân vật qua những góc nhìn đầy giễu nhại, sâu cay về sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội hiện đại. Nhân vật duy nhất được nuôi dưỡng tâm lý qua nhiều tình tiết nhỏ để cuối cùng bùng phát hành động vào cuối phim, chính là người cha của Ki-woo. Tất cả cũng chỉ bởi định kiến “giàu - nghèo”, về “cái mùi” đặc trưng của người nghèo khiến nhân vật có hành động bất ngờ, làm khán giả bàng hoàng, sững sờ.

Đặc biệt, cảnh cơn mưa lớn gây ngập lụt nhà cửa, đường phố những “khu ổ chuột”, khiến hàng trăm người nghèo lâm vào cảnh khốn cùng, chờ trợ cấp, giúp đỡ… đối lập với cảnh tiệc tùng vui vẻ của giới thượng lưu càng làm bật khoảng cách của xã hội. Đây cũng là cảnh phim ấn tượng và ám ảnh nhất phim. Câu nói của người cha với các con trong hoàn cảnh này: Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch gì cả! vừa thể hiện sự bất lực của con người trước sự vô thường của tạo hóa, vừa khiến người xem ngậm ngùi bởi ý nghĩa của nó.

Kịch bản thông minh, diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên cùng sự tài hoa của đạo diễn Bong Joon Ho đã mang lại cho người xem một tác phẩm điện ảnh nhiều cảm xúc: hài hước, chua xót, bẽ bàng và cả rùng mình, kinh sợ… Kết thúc đau lòng của phim khiến người xem nhận ra rằng: nếu dùng thủ đoạn để hại người - lợi mình, bạn sẽ phải trả giá.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết