14/03/2013 - 08:13

“Giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình

Tân Hoa Xã ngày 12-3 cho biết khái niệm "Giấc mơ Trung Quốc", vừa được Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc - Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, đang là đề tài nóng hổi trong dân chúng nước này, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Xuất xứ của "Giấc mơ Trung Quốc"

Theo Nhật báo Phố Wall của Mỹ, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên có bài phát biểu nói về "Giấc mơ Trung Quốc" nhân chuyến thăm lực lượng hải quân trên tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hải Khẩu (Haikou) hồi tháng 12 năm ngoái. Đây là tàu mà hải quân Trung Quốc sử dụng đi tuần tra vùng Biển Đông đang tranh chấp. Ông Tập Cận Bình lý giải: "Giấc mơ này có thể nói là giấc mơ về một quốc gia hùng mạnh. Và đối với quân đội, đây là giấc mơ về một quân đội hùng mạnh". Ông Tập Cận Bình còn nói thêm là đối với ông, "Giấc mơ Trung Quốc" là "sự hồi phục vĩ đại của dân tộc Trung Quốc". Và để đạt được mục tiêu này, ông nhấn mạnh phải đảm bảo sự gắn kết giữa đất nước thịnh vượng và quân đội hùng mạnh.

Ông Tập Cận Bình trên tàu khu trục Hải Khẩu hồi tháng 12-2012.
Ảnh: Tân Hoa Xã 

Tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra mà ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch nước vào ngày 14-3, vấn đề "Giấc mơ Trung Quốc" đã trở thành học thuyết của nhà lãnh đạo mới với ý nghĩa chính thức là "sự hồi sinh của dân tộc Trung Quốc". Sự hồi sinh này, theo những nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã nói, là cách gợi nhớ về triều đại cường thịnh Nhà Thanh (ra đời từ năm 1644) đã sụp đổ năm 1912.

Thật ra, cách đây 3 năm, Đại tá quân đội-giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Lưu Minh Phúc đã viết cuốn sách mang tựa đề cùng tên "Giấc mơ Trung Quốc", trong đó lập luận rằng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trở thành cường quốc quân sự số một thế giới và dự báo sẽ có cuộc đua marathon thống trị thế giới. Sách này có in lời giới thiệu của Tướng Lưu Á Châu, đại ý: "Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21 là một cuộc đua mà trong đó sự phát triển tốt hơn và khả năng quốc gia toàn diện tăng nhanh hơn sẽ quyết định ai trở thành quốc gia vô địch dẫn dắt sự đi lên của thế giới". Tướng Lưu là thành viên của một nhóm quan chức thường xuyên có các cuộc gặp riêng với ông Tập Cận Bình để giúp tư vấn về chiến lược toàn cầu cho nhà lãnh đạo thế hệ mới này.

Các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc tin rằng nước này sẽ thống trị châu Á vào giữa thế kỷ 21, dù thế giới ở thời điểm đó có thể được phân chia thành nhiều khu vực ảnh hưởng dưới sự chi phối của ít nhất 4 thế lực lớn gồm Trung Quốc, Mỹ, EU và Nga. Theo cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận họ không thể đối đầu với Mỹ về mặt quân sự cho tới khi phải vượt Mỹ trong vấn đề phát triển kinh tế và ứng dụng công nghệ, nhưng họ có tham vọng thay thế Mỹ như là thủ lĩnh tại châu Á-Thái Bình Dương. Và theo ông Lý, thế kỷ 21 là một sự cạnh tranh ngôi vị tối cao tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng nhanh, mà nếu Mỹ đánh mất địa thế khu vực này thì coi như không thể lãnh đạo thế giới.

Vị thế mới của Tập Cận Bình

Từ khi lên làm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình liên tục đi thăm các đơn vị chỉ huy lục quân, không quân và hải quân, điều mà hai người tiền nhiệm trước đây không thể thực hiện ngay được trong những tháng đầu cầm quyền.

Là con trai của một nhà cách mạng lập nước, ông Tập Cận Bình có mối quan hệ rất thân cận với quân đội và nhận được sự đánh giá cao của giới chính khách "nhà nòi" Trung Quốc. Nhờ thế, ông đã khẳng định được quyền tối cao của ban Quân ủy Trung ương gồm 11 người, trong đó ông là "tướng dân sự" duy nhất. Mệnh lệnh đầu tiên của Tập Cận Bình đối với các lực lượng vũ trang là "sẵn sàng chiến đấu" và "chiến đấu và chiến thắng chiến tranh".

Phát biểu trước Bộ Chính trị mới đây, Tổng Bí thư Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục con đường "phát triển hòa bình", nhưng ngụ ý rằng quân đội không thể duy trì bản chất phòng thủ, mà phải cương quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, trong đó trọng tâm là lợi ích cốt lõi. Tại Trung Quốc, "lợi ích cốt lõi" được hiểu theo nghĩa chính là các vấn đề chủ quyền lãnh thổ và quốc gia, đòi hỏi nước này sẵn sàng lâm chiến.

Dĩ nhiên, theo các nhà phân tích, quân đội Trung Quốc muốn rằng để bảo vệ những lợi ích đó thì họ phải thật sự hùng mạnh thông qua việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, đầu tư cho các chương trình vũ khí tốn kém như tàu sân bay hạt nhân, máy bay chiến đấu tàng hình, bất chấp tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại trong thập niên tới.

KIẾN HÒA (Theo Wall Street Journal, Xinhua)

Chia sẻ bài viết