01/10/2011 - 10:26

“Đối tác phương Đông” - Ngày ấy bây giờ

Biểu tượng “Đối tác phương Đông” của EU.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Liên minh châu Âu (EU) và 6 nước “Đối tác phương Đông” gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraina diễn ra tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan trong 2 ngày 29 và 30-9 đã cho thấy tham vọng nhất thể hóa châu Âu ngày càng trở nên xa vời.

Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung về “những khát vọng của châu Âu” trong chiến lược thúc đẩy các nước Đông Âu liên kết mạnh mẽ hơn với EU, mà trước hết là xích lại về các tiêu chuẩn và giá trị cần thiết cho sự liên kết chính trị, kinh tế, thương mại, quy chế miễn thị thực (visa), quan hệ liên nghị viện và các thể chế tài chính, các tổ chức liên chính phủ, viện trợ tài chính. Mục tiêu quan trọng nhất của EU là ký kết Thỏa thuận tự do thương mại toàn diện và sâu sắc (DCFTA) với Ukraina, Armenia, Moldova và Gruzia để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Tuy nhiên, đằng sau tuyên bố chung và kỳ vọng đó là cả một cuộc đối đầu căng thẳng có thể còn kéo dài trong quan hệ giữa EU và một số đối tác Đông Âu. EU đã bị “bẽ mặt” khi Ngoại trưởng Belarus Sergei Martynov từ chối lời mời tham dự hội nghị, thay vào đó chỉ là Đại sứ Belarus tại Ba Lan, ông Victor Gaisenok. Đây là “đòn trả miếng” của Belarus vì EU đã cố tình “tẩy chay” Tổng thống dân cử Alexander Lukashenko do cáo buộc ông này vi phạm nhân quyền, độc tài chính trị. Trong khi đó, Ukraina phê phán EU can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, đặc biệt là trong vụ xét xử nữ cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Armenia và Azerbaijan cũng phàn nàn chính sách của EU trong quan hệ với các nước này.

Theo các nhà phân tích, các nước kể trên giờ đây không còn mặn mà với mục tiêu gia nhập EU, vốn đã bộc lộ nhiều vấn đề nan giải về mặt thể chế mà những bất cập trong giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này thời gian qua đã thể hiện rõ. Mối quan hệ giữa EU với các “Đối tác phương Đông” cũng chẳng còn mặn nồng như cách đây hai năm, khi ý tưởng do Thụy Điển và Ba Lan đề xuất về chương trình hợp tác đặc biệt này được hiện thực hóa bằng hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các bên tại Praha (CH Czech). Với giới nghiên cứu quốc tế, điều đó cũng chẳng có gì lấy làm khó hiểu, bởi từ lúc ý tưởng này mới phôi thai, nó đã từng gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa trong chính nội bộ EU. Có người nói, chương trình “Đối tác phương Đông” được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức chủ yếu là nhằm “kiềm chế” Liên minh Địa Trung Hải (gồm EU và các quốc gia Địa Trung Hải) do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất. Đức từng phản đối kế hoạch này của Pháp vì cho rằng nó “quá rộng lớn, quá tham vọng và quá Pháp”. Cho nên, cũng chẳng có gì lấy làm ngạc nhiên khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lại không tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Biểu tượng “Đối tác phương Đông” của EU.

Chia sẻ bài viết