22/04/2019 - 09:16

“Dội chợ”? 

“Thừa hàng, dội chợ” - câu nói tưởng như chỉ xảy ra trong chuyện mua bán, nay lại khiến người ta liên tưởng đến các cuộc thi người đẹp. Rất nhiều cuộc thi gặp khó vì không đủ số lượng thí sinh dự thi. 

Mùa hè là thời điểm nở rộ của các cuộc thi nhan sắc từ địa phương đến quốc gia, quốc tế. Cách đây khá lâu, rất nhiều cuộc thi người đẹp ở Việt Nam đã công bố tuyển sinh để chuẩn bị vòng chung kết rơi vào mùa hè, như “Hoa hậu Thế giới Việt Nam”, “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu”, “Hoa khôi Du lịch Việt Nam”… Nhưng đến giờ, có cuộc thi vẫn “im hơi lặng tiếng”, có cuộc thi kéo dài thời gian tuyển sinh.

Một cuộc thi người đẹp được tổ chức tại Cần Thơ.

Cụ thể, cuộc thi có vẻ danh giá nhất năm là “Hoa hậu Thế giới Việt Nam” với mục đích tìm ra người đẹp đại diện Việt Nam tranh ngôi Quán quân “Hoa hậu Thế giới 2019”. Theo kế hoạch, vòng sơ tuyển, bán kết sẽ diễn ra vào tháng 4 và vòng chung kết diễn ra vào tháng 5 này. Tuy nhiên, vòng chung kết cuộc thi đã phải dời đến đầu tháng 8 vì hiện vẫn loay hoay tìm người đẹp dự thi. Hay với cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2019”, lẽ ra đã phát sóng phiên bản truyền hình thực tế từ lâu nhưng nay vẫn chưa có động tĩnh. Dù cuộc thi này nỗ lực làm mới theo dạng truyền hình thực tế, tương tác với khán giả, giúp thí sinh và cuộc thi được khán giả điểm tên, nhớ mặt nhiều hơn; nhưng xem ra sức hút cũng chẳng gia tăng là bao.

Nói là “dội chợ” bởi một năm cả nước có cả trăm cuộc thi người đẹp, từ cấp địa phương, ngành, đoàn thể, đến toàn quốc, quốc tế. Thi mãi cũng na ná như nhau, nhất là rất nhiều cuộc thi nhan sắc lùm xùm nhiều chuyện “mua danh bán giải” khiến khán giả chán ngán, mệt mỏi. Và rồi chuyện các hoa hậu, hoa khôi, nam vương… sau khi đăng quang sống buông thả, phát ngôn thiếu cẩn trọng… càng khiến nhiều người thấy rằng vẻ đẹp hình thức vẫn chưa đủ.

Mặt khác, chuyện đi thi hay không cũng được các người đẹp cân nhắc thiệt hơn. Câu hỏi: “Sẽ được gì sau cuộc thi?” là điều nhiều người quan tâm. Thực tế, có không ít cuộc thi nghe danh rất oách nhưng thật ra chỉ là “ao làng”, “vườn nhà”. Họ phải bỏ thời gian, tâm sức và tiền bạc để đầu tư cho các phần tranh tài. Vậy nhưng, đôi khi họ bị nhanh chóng lãng quên giữa “rừng danh hiệu” hoa hậu, hoa khôi.

Cũng chính vì “bụt nhà không thiêng” như vậy mà nhiều người đẹp đổ xô tranh tài các cuộc thi quốc tế. Dù thật ra, các cuộc thi ấy cũng chẳng danh tiếng gì nhưng được gắn mác tổ chức ở nước ngoài. Có nhiều người phải lén lút đi thi, thưa kiện để được đi thi.

Nên chăng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chủ trương hệ thống, cải tổ, gạn lọc lại việc thi cử nhan sắc ở Việt Nam theo hướng “cầu tinh bất cầu đa”. Đừng để kiểu nhà nhà thi hoa hậu, người người thi người đẹp, làm nhiễu loạn vị thế nhan sắc Việt!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
thi người đẹp