26/11/2010 - 20:47

“Dạy” vi khuẩn biến rác thành nhựa

Một nhà khoa học ở Hà Lan đã “huấn luyện” được vi khuẩn để nó chuyển hóa một cách hiệu quả tất cả thành phần đường trong rau củ, trái cây và rác thực vật thành nhựa sinh học chất lượng cao, thân thiện môi trường.

 Vi khuẩn được huấn luyện trong phòng thí nghiệm. Ảnh: topnews

Bằng cách điều chỉnh kiểu ăn của vi khuẩn và sau đó huấn luyện chúng, Jean-Paul Meijnen đã thành công trong việc chuyển hóa đường trong những vật liệu có thể xử lý, nhờ đó tận dụng được tất cả rác sinh học. Theo Đại học Công nghệ Delft, nơi Meijnen đang làm luận án tiến sĩ, mặc dù những vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc chế biến vỏ khoai tây thành kính mát hay mía đường thành cái cản xe hơi đã được giải quyết, nhưng kỹ thuật hiện nay không thật hiệu quả: chỉ một tỷ lệ nhỏ lượng đường có thể chuyển hóa thành các sản phẩm có giá trị.

Trong thử nghiệm của Meijnen, nguyên liệu dùng cho các qui trình vừa kể là rác sinh học thải ra từ dây chuyền chế biến thực phẩm. Trong số này có lignocellulose, hỗn hợp chất gỗ và cellulose trong thân và lá cây, giúp cây rắn chắc. Quá trình thủy phân lignocellulose bẻ gãy chuỗi phân tử đường dài thành những phân tử đường đơn lẻ. Các phân tử này sau đó được xử lý bởi vi khuẩn do Meijnen huấn luyện để hình thành các hóa chất có thể sử dụng làm nguyên liệu chế biến nhựa sinh học.

Theo Meijnen, hiện nay qui trình sản xuất nhựa từ rác thải sinh học (của ngành nông nghiệp) vẫn khá tốn kém do nguyên liệu từ chất thải chưa được tận dụng triệt để. Trong khi đó, kỹ thuật của ông sử dụng hết rác sinh học nên đạt hiệu quả cao nhưng với chi phí thấp.

THÁI TRÂN (Theo Physorg, IANS)

Chia sẻ bài viết