09/05/2020 - 08:29

“Cung đàn về trên bến xa…” 

“Nắng đã về chiều chỉ mong đêm khoan vội đến, nhưng đêm có đến thì cũng là sự chuyển hóa bình thường của thời gian. Cái chính là ta có thể để lại được cái gì làm đẹp, làm vui cho cuộc sống mà ta đã từng có mặt”.

Bức tranh vẽ trong tuyển tập “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Mấy lời này nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết tại Tân Thới Nhất, TP Hồ Chí Minh, hồi tháng 8-2019 cho tuyển tập ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang” của ông. Đó là dự cảm của một người đã thấu mọi khổ đau, vui sướng ở đời. Và nay thì ông đã ra đi, để lại “con sông buồn tím một dòng trôi” - như câu ca trong “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đa tài và tận hiến cho nghệ thuật. Ông viết báo, viết văn, viết nhạc… lĩnh vực nào cũng rất thành công. Một Vũ Đức Sao Biển trữ tình, đằm thắm trong những bản tình ca; thì lại khôi hài, tếu táo nhưng cũng đầy thâm thúy với bút danh Đồ Bì qua những bài văn vui. Nói về âm nhạc, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng tâm tình rằng: “Tình ca là tấm gương phản chiếu trung thực tình cảm và trí tuệ của âm nhạc ca khúc vào một dân tộc”. Với ông, tình ca mang giá trị văn hóa tươi đẹp và nhân văn; kết nối trái tim con người và nới rộng thể tích tâm hồn: “Người ta có thể mất đi nhưng những bài tình ca đẹp thì vẫn còn mãi với thời gian, sống mãi trong lòng người nghe”. Quả như vậy thật!

Như một nén nhang lòng gửi đến nhạc sĩ tài hoa, xin được nhắc mấy bài ca ông viết về mảnh đất Cần Thơ. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vốn người miền Trung nhưng ông yêu miền Tây lạ lùng. Bao nhiêu bài hát ông viết về Bạc Liêu, về Cần Thơ, về dòng Cửu Long sóng vỗ muôn chiều… vẫn cứ được người yêu nhạc đón nhận bằng cả sự trân quý. Âm nhạc của ông mang cái tình trong từng giai điệu.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh năm 1947 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà văn và là một nhà báo với nhiều tác phẩm đi vào lòng công chúng. Ông qua đời lúc 23 giờ 25 phút ngày 6-5-2020, hưởng thọ 73 tuổi.

Một bài hát ít người biết đến của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là “Bolero qua bắc Cần Thơ”. Nội dung bài hát là ông qua phà Cần Thơ, xúc động khi nhìn thấy người hành khất ôm ghi-ta hát nhạc Bolero: “Dòng sông sao trôi mãi không về. Tiếng ghi-ta buồn mênh mông mênh mông cũng đi mãi không về. Ơi anh nghệ sĩ giang hồ, tiếng anh ca có làm đời vơi khô héo?”. Phải chăng, những sự nhạy cảm và cái nhìn tinh tế với cuộc sống đã giúp nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết nên những giai điệu, trang văn rất đời và lay động. Với một đề tài không dễ viết như ca khúc “Điện về sông Hậu”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn khéo léo truyền cho người nghe những niềm vui: “Về Cần Thơ đêm liên hoan ngát tỏa tâm tình. Bao đường vui phố phường Vị Thanh. Cùng Sóc Trăng điệu Lâm Thôn múa lên thanh bình…”.

Hay tin ông mất, nhiều người mở nhạc ông lên để nghe như cách để vơi đi nỗi buồn. Người nghe “Thu, hát cho người”, người tìm “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang”, cũng có người “Đau xót Lý chim quyên” hay “Điệu buồn phương Nam”… Càng nghe, mọi người lại càng thấm thía từng ca từ, ngấm sâu từng giai điệu để rồi hòa chan những nỗi buồn trước sự ra đi của một nhạc sĩ đa tài. Tôi gật gù khi đọc mấy dòng viết trên tường facebook của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo: “Một điều mà mình thích nhất khi nghe nhạc của chú là ca từ rất đẹp. Đẹp đến nao lòng. Sáng nay, nghe thương tưởng trôi trên vùng mây trắng”.

Trên vùng mây trắng ngừng trôi ấy, xin tiễn ông bằng mấy tiếng đờn quê hương: “Xề ú xế u liu phạn, đưa cung đàn về trên bến xa…”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết