24/12/2010 - 22:00

“Cơn ác mộng” của Mỹ ở Iraq

Những người ủng hộ giơ cao hình của giáo sĩ Moqtada al-Sadr. Ảnh: PressTV

Báo Time của Mỹ số ra gần đây cho rằng giáo sĩ theo chủ nghĩa dân tộc Moqtada al-Sadr có thể sẽ là “cơn ác mộng” lớn nhất của Washington tại Iraq, khi ông này vẫn được xem là “người hùng” đối với hàng triệu tín đồ Hồi giáo dòng Shiite ở xứ sở ngàn lẻ một đêm. Sự trở lại của Sadr trên chính trường Iraq đã được chứng thực khi Thủ tướng Nouri al-Maliki công bố nội các mới hôm 21-12, trong đó có tới 8 nhân vật thân tín của giáo sĩ Sadr. Điều đó phản ánh một thực tế là nếu không có sự ủng hộ của giáo sĩ Sadr, ông Maliki đã không thể trở thành thủ tướng...

Trước cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq năm 2003, cha của giáo sĩ Sadr là Đại giáo chủ Mohammad Sadiq al-Sadr đã trở thành “trụ cột” của phong trào phản kháng chế độ Saddam Hussein bên trong Iraq, trước khi ông bị sát hại ở Najaf năm 1999. Khác với hầu hết các đối thủ khác vốn thường che giấu vai trò lãnh đạo cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq, giáo sĩ Sadr đã tiếp nối cha, đi theo đường lối cứng rắn để chống chế độ Saddam Hussein. Tuy nhiên, không lâu sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, đội dân quân của Sadr (Quân đội Mahdi) đã đứng lên chống lại các lực lượng Mỹ.

Năm nay 37 tuổi và đang nghiên cứu giáo lý đạo Hồi tại Iran, Moqtada al-Sadr được cho là đã phát triển rất nhanh để trở thành một giáo chủ. Từ một nhà lãnh đạo phong trào phản kháng manh mún, Sadr đã trở thành lãnh đạo của một phong trào chính trị có ảnh hưởng lớn trên chính trường Iraq, chiếm 40 ghế trong Quốc hội Iraq sau cuộc tổng tuyển cử đầu năm nay. Cả Liên minh nhà nước pháp quyền (SOL) của ông Maliki (89 ghế) lẫn Liên minh Al-Iraqiya của cựu Thủ tướng Iyad Allawi (91 ghế) đã phải chạy đua tranh thủ sự ủng hộ của phái do giáo sĩ Sadr lãnh đạo để có đủ 163/325 ghế cần thiết thành lập chính phủ.

Mặc dù đang sống lưu vong, nhưng sự hiện diện của Sadr hoàn toàn có thể cảm nhận được ở Baghdad. Đó không chỉ là thông qua việc thực hiện các chỉ dụ của Sadr ở các cộng đồng Shiite như kêu gọi cấm các quán bar và hộp đêm, mà còn ở việc Thủ tướng Maliki phải trao cho những người ủng hộ Sadr những bộ quan trọng, mặc dù chưa bổ nhiệm những vị trí nhạy cảm như Quốc phòng, Nội vụ và An ninh. Ngoài chiếc ghế Bộ dầu mỏ, nguồn thu chính của nền kinh tế Iraq, phái của giáo sĩ Sadr còn có đại diện ở các bộ dịch vụ như Y tế, Điện, Giao thông và Giáo dục, những cơ quan được xem là nền tảng quyền lực, vì dễ dàng mở rộng sự ủng hộ của dân chúng cho cuộc bầu cử kế tiếp. Mỹ đã báo động rằng họ có thể xem lại sự hợp tác với các bộ do những người ủng hộ Sadr nắm giữ. Thế nhưng, lâu nay những người theo Sadr đã từ chối tiếp xúc với các quan chức Mỹ thậm chí ở cấp thấp. Mới đây, Sadr đã cấm những người đi theo mình nhận việc làm trong các công ty dầu khí nước ngoài ở miền Nam Iraq.

Theo các nhà phân tích, trở thành lãnh đạo phong trào chính trị có thể chỉ là giai đoạn bắt đầu của Sadr. Tạp chí Time của Mỹ cho rằng Sadr có thể đang ở thế tốt nhất so với các chính khách khác ở Iraq trên ván cờ lâu dài để quyết định giành thắng lợi khi Mỹ rút quân vào ngày 31-12-2011, theo Hiệp ước Quy chế các lực lượng được nhất trí giữa ông Maliki và chính quyền Mỹ thời cựu Tổng thống George Bush hai năm trước. Sadr dường như không ủng hộ bất kỳ sự gia hạn nào đối với hiệp ước này.

N. KIỆT (Theo Time, Guardian, WSJ)

Chia sẻ bài viết