04/11/2019 - 13:17

“Chuyến tàu trở về” của những mảnh đời bất hạnh 

Hai tâm hồn cô đơn của một cụ bà ngoài 90 tuổi và một cô bé 10 tuổi gặp nhau khi họ nhớ về ký ức buồn và bất hạnh của bản thân. Sự đồng cảm, quan tâm, sẻ chia đã giúp họ kéo gần khoảng cách và tìm được nhiều vui, cái kết có hậu cho riêng mình. Câu chuyện tình cảm, ý nghĩa được nhà văn Christina Baker Kline kể lại qua tác phẩm “Chuyến tàu trở về”.
Sách do NXB Trẻ phát hành năm 2019 qua bản dịch của Trương Hoàng Uyên Phương.

Sau khi cha qua đời vì tai nạn giao thông, mẹ của Molly bị trầm cảm nặng nên không thể chăm sóc em. Cô bé lần lượt đến ở với 3 gia đình nhận nuôi và cuối cùng trụ lại với vợ chồng dì dượng. Bị đối xử thiếu công bằng, cộng với những bi kịch trong quá khứ, Molly trở nên khép kín, hơi bất cần, thích phản kháng. Khi lấy trộm một cuốn sách cũ ở thư viện, cô bé bị bắt gặp và nhận án phạt 20 giờ lao động phục vụ cộng đồng. Khi đến nhà bà Vivian ngoài 90 tuổi làm việc, những cuộc trò chuyện với bà đã khiến Molly thay đổi. Bà cũng như Molly, từng là trẻ mồ côi và có những giai đoạn hết sức khó khăn trong cuộc sống. Cùng nhau, họ đã gỡ những nút thắt trong quá khứ và có một khởi đầu mới...

Với giọng văn nhẹ nhàng, mượt mà, tác giả dẫn dắt người đọc đi cùng số phận của hai nhân vật chính qua cách kể lồng ghép đan xen giữa quá khứ và hiện tại: cứ một chương về Molly sẽ đến một chương về bà Vivian. Nếu những trang viết về Molly kể những khó khăn trong hòa nhập với bạn bè, trường học và cả gia đình dì dượng, những thay đổi tâm lý của cô bé sớm chịu nhiều tổn thương; thì cuộc đời của bà Vivian gắn liền với những biến cố lịch sử, chính trị và những khắc nghiệt của đời sống kinh tế nước Mỹ hơn 8 thập kỷ trước. Độc giả hồi hộp theo dõi số của cô bé người Ireland tên Niamh (bà Vivian thuở nhỏ) cùng gia đình di cư đến Mỹ năm 1929 nhằm tìm cuộc sống mới và tránh chiến tranh. Bi kịch bắt đầu khi cha mẹ và các em cô đều qua đời trong một vụ hỏa hoạn. Niamh bị đưa lên một chuyến tàu có hằng trăm trẻ mồ côi, không nơi nương tựa để đến vùng đất mới. Niamh lần lượt được 4 gia đình nhận nuôi và trải qua những tháng ngày đói rét, cực nhọc khi hầu hết các gia đình chỉ xem cô như một người làm không công. Nhưng hạnh phúc cuối cùng cũng đã mỉm cười với cô bé bất hạnh khi cô tìm được cho mình một mái nhà thật sự…

Đằng sau câu chuyện của mỗi người, điều làm độc giả ấm lòng là thái độ và cách quan tâm mà bà Vivian và Molly dành cho nhau. Họ đã dám thẳng thắn nói với nhau mọi chuyện, kể cả những lỗi lầm và xoa dịu nỗi đau, bất hạnh của nhau bằng sự bao dung, yêu thương, giúp nhau lúc khó khăn. Đặc biệt là Molly đã cởi bỏ được khúc mắc với dì dượng để có thể sống dung hòa và cảm nhận tình cảm của họ dành cho mình. Bà Vivian với sự hỗ trợ tích cực của Molly cũng đã tìm được thông tin của người thân, người quen cũ và yên lòng khi giải đáp được những trăn trở, băn khoăn bấy lâu nay…

Tác phẩm còn gửi gắm đến độc giả thông điệp quen thuộc nhưng không bao giờ cũ: cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, hạnh phúc không bao giờ tự đến nếu bạn không biết tìm kiếm và vun xới. Đôi lúc, chỉ cần nghĩ thoáng hơn, sống tích cực và biết quan tâm, chia sẻ với người khác, bạn sẽ nhận lại những điều tuyệt vời như cô bé Molly trong câu chuyện này.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết