Trong mắt nhiều chị em, “chồng nhà người ta” thường giỏi giang, tốt đẹp hơn chồng mình. Việc kêu ca, so sánh bạn đời với người khác còn có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình, tan vỡ hôn nhân...
Nguy hiểm “bệnh than”
Nhiều người vẫn khen gia đình chị L. (Ninh Kiều) thật đầm ấm, hạnh phúc. Cả hai vợ chồng đều có công việc thu nhập cao, con cái chăm ngoan, học giỏi... Tuy vậy, chị thường than phiền với đồng nghiệp rằng anh Kh - chồng chị là người vô tâm, thiếu trách nhiệm. Anh chỉ lo kiếm tiền, mọi việc trong nhà từ cơm nước, dọn dẹp, đưa rước con cái đi học, đều giao phó hết cho vợ. Ðặc biệt, gần đây chị L còn hay lên mạng xã hội than phiền sự vô tâm của chồng, khiến nhiều người không hiểu, cứ ngỡ hôn nhân của anh chị có vấn đề.

Việc hay than phiền, hoặc so sánh bản thân, hoàn cảnh gia đình, bạn đời của mình với những đối tượng khác dễ khiến tình cảm gia đình rạn nứt. Câu chuyện hôn nhân buồn của chị B.Ng và anh N là một minh chứng. Chị Ng và anh N ly hôn gần nửa năm nay. Suốt ngần ấy thời gian, chị Ng luôn tự vấn để lý giải, tìm nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc gia đình. Và chị nghiệm ra, một phần nguyên nhân là chị hay so sánh, chê bai anh N. Trước hết là việc anh N kiếm tiền thua kém bạn bè. Mỗi khi nghe những lời so sánh này của vợ, anh N rất buồn và mặc cảm. Ðể không bị vợ coi thường, anh lao vào kiếm tiền, bất chấp những hành vi phạm pháp. Anh tham gia đường dây lô đề, rồi lâm cảnh nợ nần. Chính anh N là người chủ động đề nghị ly hôn mặc dù chị Ng xin hàn gắn và hứa cùng làm lụng để trả nợ. Tuy nhiên, anh cương quyết dứt tình bởi cho rằng bản thân không được sự tôn trọng, cảm thông từ vợ.
Chị T. D (Sóc Trăng) cũng từng buồn, so sánh bản thân, hoàn cảnh gia đình với người khác rồi tự trách mình “bạc phận”. Chị D kể, trước khi cưới, mẹ chị từng “chê” anh Ð - chồng chị là nhà ở tỉnh trong khi chị là dân thành thị; anh Ð lại chưa có sự nghiệp, điều kiện kinh tế khó khăn, cưới nhau về, chị sẽ khổ…Những điều này vô hình trung làm chị có suy nghĩ “chồng mình không bằng ai”. Nhưng vì quá thương anh Ð nên chị D bỏ qua mọi lời chê bai để tiến đến hôn nhân. Ðến khi về chung một nhà, có con nhỏ, kinh tế eo hẹp, cả hai lại không tìm được công việc như ý, chị càng tủi thân. Mỗi dịp họp mặt hội bạn thân, nghe bạn kể về cuộc sống sung túc, đầy đủ, chị càng cay đắng, buồn cho số phận hẩm hiu vì lỡ lấy chồng nghèo. Một lần, trong bữa cơm, chị liên tiếp kêu than, rồi nhắc đến chồng người bạn thân, vừa lãng mạn, tâm lý, hay tặng quà, đưa vợ đi du lịch… và chỉ đến khi anh Ð tức giận xô đổ mâm cơm thì D mới chịu dừng lại.
“Chồng em áo rách em thương...”
Ban đầu, thấy chị L buồn, bạn bè, đồng nghiệp hỏi thăm, chia sẻ. Nhưng dần dà, mọi người cảm thấy rất phiền khi phải nghe chị kể lể mãi về những thói hư tật xấu, những điều mà chị L không hài lòng về chồng. Qua tìm hiểu, mọi người biết, do đảm nhiệm vị trí cao ở cơ quan, chồng chị L phải đi giao thiệp, công tác thường xuyên, ít có thời gian san sẻ việc nhà với vợ. Tuy vậy, khi cơ quan có dịp họp mặt, tổ chức vui chơi, chồng chị L đều đưa chị và các con đến tham gia cùng. Tiếp xúc cùng anh, mọi người cảm nhận, anh là người hiểu chuyện, không vô tâm, thiếu trách nhiệm như lời chị L. Từ đó, mọi người thường tư vấn, khuyên chị gạt bỏ “bệnh than”; nên biết cảm thông, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm, cùng chồng vun vén hạnh phúc gia đình.
Mặc dù ấm ức việc chồng hất mâm cơm, nhưng chị D cũng nhận ra, mình đã đi quá giới hạn khi liên tục so sánh chồng, hoàn cảnh của bản thân với bạn bè, trong khi anh Ð luôn hết lòng thương yêu vợ con và chí thú làm ăn. Họp mặt Tết năm nay, gặp lại người bạn thân, nghe tin cô bạn vừa ly hôn, bởi chồng tuy giàu nhưng coi thường vợ và gia đình vợ, lại có tính gia trưởng, ghen tuông mù quáng, vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn..., chị D càng thấm thía giá trị hôn nhân, những điều tốt đẹp của chồng và tự trách mình nông cạn. Chị D tâm sự: “Ðúc kết từ bản thân, tôi nhận ra, “bệnh than” dần dà có thể trở thành rào cản khiến tình cảm vợ chồng ngày càng nhạt phai, xa cách, thậm chí đẩy hôn nhân đến vực thẳm”.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu chỉ nhìn vào những biểu hiện bên ngoài của người khác mà vội than thân trách phận, chê bai vợ/chồng mình... thì chẳng những không cải thiện được tình hình mà còn làm cho mối quan hệ vợ chồng trở nên xấu hơn. Thay vì chê bai, các cặp đôi hãy vun đắp, mỗi người tự biết cách điều chỉnh, hoàn thiện bản thân vì nhau. Có như vậy, hôn nhân mới có thể viên mãn và bền chặt theo thời gian.
HẢI THƯ