06/01/2021 - 09:09

“Chiến lược” vực dậy hệ miễn dịch đang suy yếu 

Các nhà khoa học Mỹ cho biết khi sức khỏe miễn dịch suy giảm, chúng ta khó có thể phục hồi nó trong một ngày một bữa, mà phải có phương pháp đúng đắn và kiên trì theo đuổi để mang đến hiệu quả lâu dài.

Uống nhiều nước và vận động thể chất đều đặn giúp duy trì sức khỏe miễn dịch. Ảnh: Harvard Health

Uống nhiều nước và vận động thể chất đều đặn giúp duy trì sức khỏe miễn dịch. Ảnh: Harvard Health

Nhận diện chức năng miễn dịch kém

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn và những tác nhân gây bệnh khác xâm nhập từ bên ngoài. Giống như các hệ thống khác trong cơ thể, hệ miễn dịch là một mạng lưới phức tạp của các quá trình sinh học, chỉ hoạt động tốt nhất khi bạn cung cấp cho nó đủ năng lượng và dinh dưỡng.

Tiến sĩ Dana Hunnes, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại Trung tâm Y tế Ronald Reagan Đại học Los Angeles, cho biết nếu bạn bị đau bệnh liên tục, hay nóng sốt hoặc mệt mỏi kinh niên, hãy đi gặp bác sĩ ngay lập tức, bởi đó là biểu hiện hệ miễn dịch đang suy yếu. Các dấu hiệu khác cho thấy hệ miễn dịch hoạt động kém còn bao gồm thường bị cảm lạnh, các vấn đề về tiêu hóa, tiêu chảy, đầy hơi hoặc táo bón và dễ bị nhiễm trùng.

Giải pháp bảo vệ và tăng cường sức đề kháng

Theo Tulip Jhaveri, một chuyên gia vi sinh y học tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ chuyên về các bệnh truyền nhiễm, hệ miễn dịch rất phức tạp và cần nhiều bộ phận phối hợp hoạt động cùng nhau, vì vậy, “không có cách nào để cải thiện nó sau một đêm”. Điều đó có nghĩa là một ly nước chanh - gừng sẽ không bảo vệ bạn khỏi bệnh truyền nhiễm nếu hệ miễn dịch của bạn đã suy yếu. Cho nên, “chiến lược” tốt nhất chăm sóc sức khỏe miễn dịch về lâu dài là áp dụng lối sống lành mạnh, với dinh dưỡng cân bằng, năng vận động, giảm stress, hạn chế bia rượu và tránh xa thuốc lá.

Một số sản phẩm dinh dưỡng thường được quảng cáo là giúp tăng cường khả năng miễn dịch nhanh chóng, nhưng thực tế là ngay cả vitamin tổng hợp và thuốc bổ sung khoáng chất cũng rất ít hoặc không có tác dụng tăng cường miễn dịch nhanh chóng như người ta vẫn tin. Bác sĩ Jhaveri nhấn mạnh chúng thực chất chỉ là chất bổ sung, không thể thay thế cho một chế độ ăn uống cân bằng. Do đó, nếu muốn mau chóng nâng cao sức khỏe miễn dịch, hãy uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, bổ sung vitamin c và kẽm, kiên trì thực hiện ít nhất vài tuần.

“Cách tốt nhất để tăng sức đề kháng của bạn trước khi đi máy bay, hoặc tham gia bất kỳ tình huống nào khác có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, hãy bắt đầu với những thói quen lành mạnh - bổ sung đủ nước, dinh dưỡng tốt, ngủ đủ giấc và tập thể dục” - chuyên gia Jhaveri khuyến cáo thêm.

Những loại trà giúp hệ miễn dịch “hồi sức”

Ngoài nước, trà là thức uống được tiêu thụ nhiều nhất thế giới và đã được chứng minh có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiều bệnh mãn tính, nhờ chứa nhiều chất chống ôxy hóa và hóa chất thực vật.

Trà bạc hà là thức uống tăng cường miễn dịch an toàn và hiệu quả. Ảnh: The List

Trà bạc hà là thức uống tăng cường miễn dịch an toàn và hiệu quả. Ảnh: The List

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết lợi ích sức khỏe trong trà thậm chí được nâng cao hơn nữa khi kết hợp với những chiết xuất và thành phần khác. Điển hình, uống trà pha với các thảo dược sau đây sẽ mang lại tác dụng cải thiện chức năng miễn dịch đang suy yếu:

Trà và nghệ: Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng chất curcumin - thành phần màu vàng cam của nghệ - kích hoạt các yếu tố quan trọng của hệ miễn dịch, như tế bào T và tế bào B. Curcumin còn là một hợp chất thực vật phytochemical có đặc tính kháng viêm, được chứng thực có tác dụng giảm nhẹ bệnh viêm khớp, dị ứng, hen suyễn, phòng chống bệnh tim, Alzheimer, tiểu đường và ung thư. Tuy nhiên, curcumin có thể phản ứng với một số thuốc làm loãng máu, thuốc giảm axít dạ dày và thuốc trị tiểu đường, do đó, trà nghệ không thích hợp với những người đang dùng các loại thuốc vừa nêu.

Trà và rễ cam thảo: Cam thảo có chứa flavonoid, một hợp chất thực vật chứa nhiều chất chống ôxy hóa và được phát hiện có đặc tính chống viêm, trị tiểu đường và chống ung thư. Nghiên cứu cho thấy trà cam thảo có thể chống lại nấm, vi khuẩn và virus. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêu thụ nhiều cam thảo là tăng huyết áp và giảm nồng độ kali máu. Lưu ý, phụ nữ mang thai không được dùng thảo dược này.

Trà và gừng: Loại củ này có chứa các hợp chất hóa học như gingerol giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, cảm cúm và phòng chống ung thư. Gừng có thể gây ra vấn đề cho những người bị bệnh sỏi mật hoặc những người đang dùng thuốc làm loãng máu.

Trà và bạc hà: Trà bạc hà có thể giúp chống lại virus, vi khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch. Menthol và methyl salicylate, các thành phần chính trong bạc hà, được ghi nhận có tác dụng giảm stress, giảm đau và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Uống trà bạc hà thường xuyên được xem là giải pháp an toàn để tăng cường miễn dịch.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Insider, The Conversation)

Chia sẻ bài viết