03/08/2021 - 12:19

Tân đại sứ Trung Quốc tại Mỹ:

“Chiến lang” hay ôn hòa 

Nhiều kinh nghiệm “đối phó” truyền thông phương Tây, giới chuyên môn nhận định tân đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (ảnh) là người phù hợp với cung cách “ngoại giao chiến lang” mà Bắc Kinh đang theo đuổi nhưng sẽ tinh tế hơn.

Ảnh: Getty Images

Trong bức thư gửi Hoa kiều tại Mỹ trước khi rời nhiệm sở, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải khẳng định hai bên đã đạt nhiều thành tựu lịch sử kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, ông Thôi cho rằng quan hệ giữa hai cường quốc hiện ở ngã ba đường; trong đó Washington đang đối mặt giữa lựa chọn đối thoại hợp tác hoặc đối đầu xung đột. Trong bối cảnh này, giáo sư quan hệ quốc tế Chu Chỉ Quần thuộc Ðại học Bucknell (Mỹ) cho rằng Bắc Kinh chắc chắn đang cần một người có khả năng thúc đẩy quan hệ song phương nhưng cũng đủ kiên quyết để thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn. Và Thứ trưởng Ngoại giao Tần Cương là người thích hợp ở thời điểm này, dù ông chưa bao giờ chuyên trách các sự vụ liên quan Mỹ hoặc tới Washington với tư cách một nhà ngoại giao thuộc phái đoàn thường trực nào.

Tờ Diplomat cho biết ông Tần đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Bộ Ngoại giao. Cụ thể, vị quan chức 55 tuổi trước khi được đề cử làm đại sứ tại Mỹ từng phụ trách các vấn đề Tây Âu và giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2018. Ông cũng từng đứng đầu Vụ Thông tin, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao và thường xuyên tháp tùng giới cầm quyền ở Bắc Kinh trong các buổi gặp gỡ những nhà lãnh đạo thế giới hoặc công du nước ngoài. Theo Giáo sư Victor Shih thuộc Ðại học California (Mỹ), công việc đã đưa ông Tần gia nhập vòng tròn thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự tin tưởng này là điều không thể bỏ qua.

Hiện vấn đề được quan tâm nhất là liệu đại sứ Tần Cương có thể hiện phong cách ngoại giao “chiến lang” trong vai trò mới của mình hay không. Mười năm trở lại đây, xu hướng cạnh tranh giữa các cường quốc khiến nhiều người chú ý với một bên là Trung Quốc quyết đoán hơn, trong khi Mỹ và các nước phương Tây khác phải vật lộn với cuộc suy thoái tài chính toàn cầu và sau đó là đại dịch COVID-19. Theo các nhà nghiên cứu độc lập, giới cầm quyền ở Bắc Kinh tin họ đang đứng trước “cơ hội lịch sử” để xây dựng quốc gia lớn mạnh và lập ra trật tự thế giới dựa trên các giá trị Trung Quốc. Chủ thuyết này đã cổ vũ, thậm chí là động cơ khiến các nhà ngoại giao trở thành “chiến lang”.

Trong bối cảnh Mỹ đang coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu, trang tin Quartz dự đoán phong cách ngoại giao của tân đại sứ Tần Cương không thay đổi nhiều nhưng sẽ tinh tế hơn so với các “chiến binh sói” khác. Khi còn là người phát ngôn Bộ Ngoại giao giai đoạn 2005-2010, vị quan chức họ Tần được biết đến như một “đấu sĩ” khi không ngần ngại dùng lời lẽ cứng rắn bảo vệ Trung Quốc giữa thời điểm Bắc Kinh đối mặt các chỉ trích quốc tế vì vấn đề nhân quyền. Ông còn nổi tiếng với việc sẵn sàng tranh cãi, trả lời các câu hỏi của báo chí bằng những lời chế giễu. Tuy nhiên, ông Tần cũng được thừa nhận về kỹ năng diễn thuyết hùng hồn cùng thái độ hòa nhã, dễ tiếp xúc.

Theo chuyên gia Lu Xiang tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, vị trí đại sứ tại Mỹ chưa bao giờ là công việc dễ dàng và ngày càng phức tạp trong những năm gần đây. Bản thân ông Tần Cương cũng thừa nhận còn nhiều thách thức nếu muốn giải quyết bất đồng và đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại quỹ đạo. Nhiều người cho rằng ông Tần sẵn sàng đưa ra những thông điệp thẳng thắn để bảo vệ quan điểm nhất quán của Trung Quốc, nhưng sẽ không bao gồm những hàm ý xúc phạm nặng nề hoặc truyền bá các thuyết âm mưu đổ lỗi. Ðiều này phù hợp cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc, đó là có chừng mực để cải thiện quan hệ nhưng đủ cứng rắn trong đối ngoại. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng hiểu rõ không thể đối phó với Mỹ theo cách họ làm với các nước nhỏ và điều này lý giải mức độ cạnh tranh đi kèm tôn trọng trong mối quan hệ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết