26/08/2023 - 19:18

“Cảnh báo đỏ” từ thiên nhiên 

P.V (Theo TTXVN)

Thời gian gần đây, thế giới liên tục chứng kiến những đám cháy rừng gây thiệt hại lớn do hạn hán và nắng nóng bất thường, điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khó lường hơn.

Cháy rừng gây thiệt hại tài sản ở thị trấn Lahaina, Hawaii. Ảnh: Getty Images

Thảm họa lớn do nắng nóng ở Mỹ

Thảm họa cháy rừng thảm khốc vừa qua ở thị trấn nghỉ dưỡng Lahaina thuộc đảo Maui (bang Hawaii của Mỹ) đã khiến hơn 800 ha đất rừng bị thiêu hủy, ít nhất 115 người thiệt mạng và vẫn còn 388 người mất tích, đồng thời làm gần 3.000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh bị phá hủy hoặc hư hại, gây ra thiệt hại ước tính lên tới 6 tỉ USD. Thị trấn lịch sử Lahaina hoàn toàn bị xóa khỏi bản đồ. Thống đốc bang Hawaii, ông Josh Green, đồng tình với các chuyên gia cho rằng sự nóng lên toàn cầu kết hợp với hạn hán tại Maui và những đợt gió lớn từ cơn bão Dora ở phía Nam Hawaii là những nguyên nhân chính khiến đám cháy bùng phát dữ dội.

Trong khi đó, nắng nóng gay gắt bao trùm bang Texas trong phần lớn mùa hè đã lan sang các khu vực khác của miền Trung nước Mỹ trong tuần qua. Dự báo nắng nóng sẽ kéo dài trong nhiều ngày, gây áp lực cho các hệ thống nước và đe dọa lưới điện của khu vực được xem là trung tâm năng lượng quốc gia của Mỹ. Bang Louisiana cũng đã ghi nhận 25 ca tử vong liên quan đến nắng nóng trong mùa hè này, tăng gấp đôi so với con số trung bình trong những năm gần đây.

Nhà khí tượng Alex Lamers tại Trung tâm Dự báo Thời tiết của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ nhận định nắng nóng trở nên nguy hiểm với người bình thường nếu họ không có điều hòa nhiệt độ. Người dân tại các thành phố ở bang Texas và Louisiana cảm nhận được mức nhiệt hơn 43,3 độ C, nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Xu hướng này đã lan sang các bang khác từ Florida tới New Mexico.

Các chuyên gia cảnh báo nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có nguy cơ gây tổn hại cho hệ thống cơ sở hạ tầng. Công ty vận tải đường sắt Union Pacific đã áp đặt hạn chế tốc độ trên mạng lưới đường sắt miền Tây có tổng chiều dài 51.499 km của hãng trong mùa hè này nhằm giảm bớt tác động đối với đường ray khi trời nóng.

Canada, châu Âu căng mình với “giặc lửa”

Không chỉ Hawaii và các bang miền Trung nước Mỹ, Miền Tây Canada đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 đám cháy đang hoành hành, trong đó 650 đám cháy vượt tầm kiểm soát. Trong khi đó, các nước thuộc khu vực cực Nam của Nam Mỹ đang hứng chịu các kỷ lục nắng nóng vào giữa mùa đông (từ tháng 6-8).

Tại châu Âu, Ý tiếp tục hứng chịu cháy rừng do nắng nóng kéo dài, gây ra hạn hán. Vụ cháy rừng gần đây nhất xảy ra trên đảo Elba, ngoài khơi phía Tây Bắc của Ý từ cuối ngày 21-8. Hồi tháng 7, cháy rừng cũng tàn phá nghiêm trọng vùng Calabria ở miền Nam nước Ý. Bộ Y tế Ý cho biết tính đến ngày 25-8, có tới 19/27 thành phố lớn nhất ở nước này đưa ra cảnh báo đỏ về nắng nóng. Theo Hiệp hội nông dân quốc gia Ý (Coldiretti), các hiện tượng thời tiết cực đoan này ảnh hưởng xấu đến mùa màng, khiến nông dân Ý thiệt hại ít nhất 6 tỉ euro (6,5 tỉ USD). Dự báo thời tiết nắng nóng và hạn hán ở Ý sẽ kết thúc vào cuối tuần này, nhường chỗ cho hình thái thời tiết đối nghịch. Khi đó, phần lớn đất nước Ý sẽ đón giông bão và mưa đá dữ dội. Ðây là năm thứ hai liên tiếp ý hứng chịu các đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài, sau đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như mưa đá, giông sét, lốc xoáy, lũ quét, mưa bão.

Kể từ đầu năm đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận 340 đám cháy trên diện rộng, tiêu hủy gần 76.000 ha đất rừng và đất canh tác. Tình hình thời tiết cực đoan đang khiến đám cháy rừng lớn trên đảo Tenerife thuộc Quần đảo Canary tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở Pháp, Bồ Ðào Nha và Albania, những đám cháy rừng lan rộng từ đầu tháng 8 buộc chính quyền các địa phương phải huy động lượng lớn nhân viên cứu hộ, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Lực lượng cứu hỏa tại Hy Lạp cũng đang chạy đua với thời gian để khống chế các đám cháy rừng lan rộng ở khu vực miền Ðông cùng nhiều khu vực khác. Lực lượng cứu hỏa đã được huy động ứng phó với 355 vụ cháy rừng trên khắp Hy Lạp từ ngày 18-22/8 vừa qua. Dựa trên dữ liệu vệ tinh, Ðài Quan sát quốc gia Hy Lạp ước tính chỉ trong 3 ngày từ 19-21/8, hỏa hoạn đã tàn phá hơn 40.000 ha rừng và đất nông nghiệp. Trước đó, đợt nắng nóng vào tháng 7 đã làm bùng phát cháy rừng ở phía Nam của hòn đảo nghỉ dưỡng Rhodes, phía Ðông Nam biển Aegean, thiêu rụi 17.770 ha đất rừng.

Như bộ phim về ngày tận thế

Có thể nói, thời tiết mùa hè này ở Bắc bán cầu đang diễn ra như trong kịch bản của một bộ phim về ngày tận thế: nắng nóng, hỏa hoạn và cháy rừng hoành hành hầu như khắp nơi. Theo giới khoa học, mặc dù nguyên nhân trực tiếp của hầu hết các vụ cháy rừng là do lỗi chủ quan của con người, song các đám cháy trên thế giới đang lan nhanh hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu, vốn là yếu tố làm gia tăng tình trạng khô nóng. Ở Ðịa Trung Hải, tình trạng này đã khiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm và thiêu đốt nhiều vùng đất liền hơn. Thời tiết nóng cũng rút hết độ ẩm từ thảm thực vật, biến chúng thành nguyên liệu khô giúp đám cháy lan rộng. Chuyên gia Mark Parrington, nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU), nhận định các điều kiện thời tiết khô hơn, nóng hơn khiến các đám cháy trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.

Trong khi đó, một phân tích chuyên sâu của nhóm nghiên cứu World Weather Attribution đã chứng minh rằng khả năng xảy ra các mùa cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng như ở Canada trong năm nay tăng gấp 7 lần do con người đốt nhiên liệu hóa thạch. Nghiên cứu cũng cho thấy trong năm qua, điều kiện dễ xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng tăng hơn 50% do sự nóng lên toàn cầu.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng trở nên tồi tệ hơn khi các đợt hạn hán xuất hiện nhiều và kéo dài, nhiệt độ không khí ngày càng cao, độ ẩm tương đối thấp, sấm chớp và gió mạnh dẫn đến ngọn lửa lan nhanh, kéo dài và cháy dữ dội hơn. Ngược lại, cháy rừng khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên ngày càng trầm trọng, bởi chúng tàn phá các hệ sinh thái nhạy cảm và giàu carbon như vùng đất than bùn và rừng nhiệt đới.

Biến đổi khí hậu cũng làm cho hiện tượng El Nino xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn và góp phần khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Sau 3 năm chứng kiến sự chi phối của hình thái thời tiết La Nina, hiện tượng El Nino đã chính thức quay trở lại, cùng với biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt nghiêm trọng, cháy rừng trên khắp thế giới trong thời gian qua. Thậm chí, lượng mưa thấp và nhiệt độ gia tăng đã dẫn đến tình trạng khô hạn nghiêm trọng ở Bắc Âu, nơi vốn trước đây vào mùa hè thời tiết thường mát mẻ và mưa nhiều, khiến nhiều quốc gia khu vực đã phải ban bố cảnh báo cháy rừng.

“Cảnh báo đỏ” từ thiên nhiên

Những thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản tại Hawaii nói riêng và nhiều khu vực khác trên thế giới nói chung do cháy rừng chính là “cảnh báo đỏ” của thiên nhiên trước sự chậm trễ của con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, rằng đây có thể chỉ là “màn dạo đầu” của sự hỗn loạn khó lường sẽ xảy ra nếu thế giới tiếp tục gây ô nhiễm, khiến Trái đất nóng lên.

Thực trạng trên đòi hỏi sự nỗ lực chung của thế giới để giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu - vốn là tác nhân chính đe dọa đẩy Trái đất vào kỷ nguyên “nung nóng toàn cầu”. Như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng khẳng định: “Ngay cả khi ngừng phát thải khí nhà kính vào ngày mai, chúng ta vẫn phải đối phó với kiểu khí hậu (oi nóng) này. Ðây phải là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta đang sống trong một thực tế đã thay đổi và nếu không muốn mọi việc đi quá xa, chúng ta cần đầu tư vào mọi mặt”.

Ngày 25-8, Cơ quan Khí tượng Pháp cho biết nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về mốc nhiệt cao nhất mọi thời đại trong giai đoạn cuối hè, khi toàn quốc đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt. Theo đó, nhiệt độ trung bình trên cả nước Pháp trong ngày 24-8 là 27,8 độ C, mức nắng nóng gay gắt nhất từng đo được sau ngày 15-8 hằng năm được ghi lại từ năm 1947.

Với mức nhiệt 33 độ C ghi nhận ngày 23-8, thành phố Milan của Ý cũng đã trải qua ngày có nhiệt độ trung bình cao nhất trong 260 năm qua.

Chia sẻ bài viết