17/05/2013 - 08:55

“Barack Obama không như Richard Nixon”

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP

Mặc dù chính quyền Obama đang “mệt mỏi” với 3 vụ bê bối liên tiếp trong những ngày gần đây, Nhà Trắng đã thẳng thừng lên tiếng phản bác chuyện so sánh hoàn cảnh hiện nay của Tổng thống Obama với người tiền nhiệm Richard Nixon- người đã từ chức trước vụ bê bối Watergate chấn động chính trường Mỹ một thời.

Từ vụ Benghazi

Trước áp lực của phe Cộng hòa tại Mỹ, ngày 15-5, Nhà Trắng đã phải cho công bố hơn 100 trang thư điện tử nội bộ nhằm củng cố lập luận của mình rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama không tìm cách che giấu sự thật rằng cuộc tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi của Libye hồi tháng 9-2012 là một hành động khủng bố.

Các trang thư điện tử này tiết lộ những trao đổi qua lại trong hai ngày 14-15/9/2012 giữa các quan chức của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và các cơ quan có liên quan của Mỹ ngay sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi làm Đại sứ Mỹ tại Libye cùng 3 quan chức ngoại giao khác của Mỹ thiệt mạng. Tại thời điểm đó, CIA đã kết luận rằng vụ tấn công là hành động tự phát, được thúc đẩy bởi các vụ biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, Ai Cập diễn ra trước đó. CIA cũng lưu ý rằng đánh giá của họ có thể thay đổi khi có thêm thông tin được thu thập và phân tích. Đáng chú ý, nội dung các thư điện tử cũng cho thấy Phó Giám đốc CIA Mike Morrell đã yêu cầu loại bỏ các ám chỉ liên quan đến al-Qaeda và một nhóm khủng bố khác ra khỏi kết luận ban đầu của cơ quan này.

Thời gian qua, vụ người biểu tình Libye tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi liên tục bị phe Cộng hòa công kích mạnh mẽ. Trong phiên điều trần tại Ủy ban giám sát chính phủ của Hạ viện hồi tuần trước, Phó Đại sứ Mỹ tại Libye Gregory Hicks cho biết các nhà ngoại giao Mỹ ở Libye ngay từ đầu đã khẳng định vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi là một hành động khủng bố. Các nghị sĩ Cộng hòa lập luận rằng lời điều trần này cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama ngay từ đầu đã biết vụ sát hại các nhà ngoại giao Mỹ không phải là hậu quả của một cuộc nổi dậy, nhưng Bộ Ngoại giao đã cố tình che giấu và “lái dư luận” do lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội tái cử nhiệm kỳ hai của ông Obama. Phó Đại sứ Hicks thậm chí còn cho biết ông đã yêu cầu Nhà Trắng can thiệp quân sự để bảo vệ Lãnh sự quán, nhưng lời kêu gọi đó không được đáp ứng. Với các tình tiết này, một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng chính quyền Obama đang tạo ra một vụ  “Watergate mới”. Hiện đang có ý kiến yêu cầu cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ra điều trần lại về vụ này.

Dồn dập những đợt sóng

Ngoài vụ Benghazi, chính quyền của Tổng thống Obama nhiều tuần qua còn phải đối phó với những rắc rối khác. Mới đây, các nhóm chính trị bảo thủ thân đảng Cộng hòa đã đưa ra những cáo buộc về việc Cơ quan dịch vụ thuế liên bang (IRS) từ năm 2010 đã có các hoạt động mang tính phân biệt đối xử khi tiến hành kiểm tra và giám sát khắt khe nguồn tài chính của các tổ chức này. Theo đó, các quan chức IRS bắt họ phải cho biết đầy đủ lý lịch của những người đứng đầu, nhân sự chủ chốt, ngân sách, văn thư liên lạc với Quốc hội và cả những quyên góp tài chính. Đây là những yêu sách bị cho là mang tính kỳ thị và vi phạm pháp luật. Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Rogers cho rằng cần mở một cuộc điều tra toàn diện về việc IRS nhắm mục tiêu vào các nhóm bảo thủ trong chiến dịch vận động tranh cử 2012. Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner thậm chí còn đề nghị bỏ tù những quan chức IRS về những hành vi phạm pháp trên.

Vụ rắc rối nữa vừa xảy ra là việc Bộ Tư pháp Mỹ đã bí mật thu thập thông tin các cuộc gọi của hơn 20 đường dây điện thoại liên quan tới hơn 100 phóng viên của hãng thông tấn AP tại 4 văn phòng đại diện trên lãnh thổ Mỹ. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AP, ông Gary Pruitt coi đây là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền hiến định. Một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng, với vụ IRS và hãng thông tấn AP, chính quyền của Tổng thống Obama dường như đang hành xử như một thế lực đứng trên Hiến pháp và luật pháp Mỹ.

Theo giới quan sát, một loạt rắc rối trên sẽ càng khiến Nhà Trắng thêm đau đầu khi mà những mâu thuẫn hàng năm với phe Cộng hòa tại Quốc hội làm bế tắc nhiều chương trình đối nội và ngân sách tài khóa 2013 bị tự động cắt giảm hơn 85 tỉ USD vẫn chưa được giải quyết. 

Obama không phải là Nixon

Cũng trong buổi họp báo, khi được hỏi: “Tổng thống Obama được so sánh với cựu Tổng thống Richard Nixon. Ông Obama cảm nhận về điều này như thế nào?”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết ông chưa nhận được phản ứng từ ông Obama, song đã bác bỏ giả thuyết trong câu hỏi trên.

“Tôi có thể cho bạn biết rằng những người đưa ra kiểu so sánh trên cần phải kiểm tra lại lịch sử của họ. Bởi vì những gì chúng ta bàn tại đây là vấn đề Benghazi và rõ ràng chúng ta ngày càng biết nhiều về hoạt động chính trị thứ yếu, một nỗ lực thận trọng nhằm muốn chính trị hóa một thảm kịch”- ông Carney nhấn mạnh.

Không phải ngẫu nhiên mà cánh phóng viên so sánh ông Obama với người tiền nhiệm Nixon. Còn nhớ vào năm 1974, thời điểm Tổng thống Richard Nixon trở thành tâm điểm chú ý trên chính trường bởi ông là vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ phải từ chức do dính líu đến vụ bê bối Watergate cũng như sử dụng kiểm toán thuế thu nhập để chống lại phe Dân chủ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng thời kỳ Nixon đã qua. Rõ ràng, trường hợp hiện nay của chính quyền Obama không hẳn như thế”.

Đối với vụ việc IRS, ông Carney cho rằng không có nhân vật nào trong Nhà Trắng có liên quan đến những hoạt động của IRS. Riêng những thắc mắc dồn dập về vụ tố cáo của AP, Jay Carney cũng nói rõ Tổng thống Obama sẽ tìm kiếm sự công bằng trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận cũng như bảo vệ an ninh quốc gia.

THANH LIÊM (Theo CNSNews, Straitstimes)

 

Chia sẻ bài viết