13/10/2017 - 10:41

“Bà má Hậu Giang” 

Nhà thơ Tố Hữu có bài thơ “Bà má Hậu Giang” rất hay, ca ngợi người mẹ miền sông Hậu kiên gan trước họng súng quân thù, quyết nuôi chứa, giúp đỡ cách mạng. Má Chín- một bà má Hậu Giang như thế- tôi đã gặp qua và xiết bao cảm phục…

“Chết là cùng!”

Má Chín tên thật là Nguyễn Thị Lưỡng, nhà ở khu nhà ở Hồng Phát, phường An Bình, quận Ninh Kiều. 96 tuổi, má Chín vẫn minh mẫn và khỏe mạnh lạ thường, vẫn bõm bẽm nhai trầu, kể chuyện đời xưa. Má Chín lúc nào cũng mặc bà ba trắng, mái tóc trắng tinh, da dẻ hồng hào và rất vui vẻ.

Trong khu dân cư hiện đại, nhà má khác biệt hơn hết bởi đã cất từ khá lâu, vì là người cố cựu, sống mấy đời trên vùng đất này. Trải qua hai cuộc chiến vệ quốc của dân tộc, nhà má lúc nào cũng là Căn cứ lòng dân, và má, chồng má, các con của má luôn là những “pháo đài” vững chắc, che chở để bộ đội, trinh sát, biệt động… hoàn thành nhiệm vụ.

Má Chín bên những người con của má. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Khoảng năm 1961- 1962, vợ chồng má Chín là nông dân cố cựu ở địa phương, có con đi làm cách mạng nên được cách mạng tin tưởng. Các đồng chí: Nguyễn Việt Dũng, Thiều Quang Thể... chọn nhà má để tá túc, đem đồ đạc ngoài thành như kèn Tây, tài liệu về đây cất giấu. Má Chín thì lo cơm nước, quần áo, thuốc men… Má kể: “Hễ ba bây treo đèn ở nhà bếp thì mấy đứa biết đó là ám hiệu, có thể vào nhà vì “êm”, không có địch”. Rồi má kể những lần con gái má cùng bộ đội giả làm nông dân chở bông vạn thọ ra chợ Cần Thơ bán dịp Tết. Chiếc xuồng phía trên chất bông, phía dưới là vũ khí, qua biết bao cặp mắt dò xét của kẻ thù. Má kể chồng má mấy lần đi mua thuốc về trị thương cho bộ đội đang tá túc tại nhà, bị địch phát hiện phải quăng xuống sông phi tang…

Má Chín nhớ như in, hồi năm 1970, địch bắt má vì có con đi làm cách mạng và nuôi chứa cách mạng. Địch đeo 2 chiếc vòng vô tay má rồi chích điện làm má chết lên chết xuống. Chừng nửa tháng sau, địch buộc thả má vì chẳng điều tra được gì ở “bà má Hậu Giang” này. Tôi buột miệng hỏi má: “Qua bao hiểm nguy vậy, má không sợ sao mà nuôi chứa bộ đội hoài?”. Má nói gãy gọn: “Không! Không sợ! Chết là cùng! Người ta lấy thân lấp lỗ châu mai được mà mình không giúp đỡ cách mạng được sao!”. Từng lời đáp của má Chín như có lửa, thật đúng như mấy câu thơ của Tố Hữu:

“Má có chết, một mình má chết

Cho các con trừ hết quân Tây!”

Má rưng rưng nhớ lại hình ảnh những đứa con bộ đội của má khi mới 18, đôi mươi bị thương đau đớn trong vòng tay của má. Má kể, mấy lần má đi chợ, lén mua dưa hấu được nhiều, về xẻ cho mỗi đứa một miếng, nhìn mấy đứa con bộ đội ăn mà má thương đứt ruột. Má thương bằng trọn tấm lòng của bà má Hậu Giang.

Trí huệ tuổi 96

Có người nói, người già như báu vật trong nhà: là quá khứ tự hào, là lẽ sống để con cháu noi theo. Má Chín thật là một báu vật như thế. Chiều chiều dọc đường Tú Xương, trong khu nhà ở Hồng Phát, mọi người lại thấy má Chín ngồi trên xe lăn, được các con đẩy đi ngắm cảnh, trò chuyện với xóm giềng.

Chị Bùi Thị Bạch Tuyết, người con thứ sáu của má, kể rằng dù tuổi cao nhưng má Chín lúc nào cũng nghĩ đến người nghèo. Cứ rằm tháng Bảy, Trung thu… má lại góp tiền làm từ thiện. Má Chín lấy đó mà làm gương cho con cháu. Hôm chúng tôi đến, chị Sáu Tuyết đang nằm viện nhưng thấy người khỏe nên về thăm má, tới giờ chiều má kêu người con gái út là chị Bùi Thị Út Em: “Chiều rồi, con chở chị vô bệnh viện lại đựng bác sĩ khám. Sáu à, con coi hết bệnh rồi về luôn con, má khỏe mà, đừng trốn về nữa!”. Những câu từ chân chất mà đượm tình của bà má Hậu Giang nghe sao lay động.

96 tuổi, má Chín nhớ như in 9 người con của má, thứ mấy, tên gì, mỗi người có mấy người con. Trí huệ minh mẫn lạ thường. Chị Sáu Tuyết nói, chị gái thứ năm tên Bùi Thị Mạnh là một chiến sĩ biệt động năm xưa. Chị Năm Mạnh đã hy sinh, chỉ có nỗi đau đó làm má buồn nhiều hơn hết. Bàn thờ chị Năm đặt ở nhà chị Sáu- ngay tại chính địa điểm mà chị Năm hy sinh- nhưng má Chín cũng thờ con trong ngôi nhà của mình. Má nói: “Nhìn con cho đỡ nhớ!”. Gần nửa thế kỷ qua rồi mà nỗi đau của má Chín chưa thể nguôi ngoai.

Niềm vui tuổi già của má Chín là vui vầy bên con cháu. Mấy ngày lễ Tết, con cháu về thăm má có đến vài chục. Năm rồi, con cháu má Chín tổ chức lễ thượng thọ 95 tuổi cho má thật ấm cúng. Bây giờ, hằng ngày chị Út, chị Sáu vẫn cận kề bên má, chăm chút cho má từng miếng ăn, giấc ngủ. Má Chín cười: “Tụi nó lo cho má kỹ lắm, từng chút hà!”. Các con của má có người giờ đã ở tuổi “cổ lai hy”, ai cũng có sui gia, cháu chắt đề huề mà khi bên má lại cũng vẫn lễ phép dạ thưa. Nếp nhà ấy vẫn luôn nêu cao đạo nghĩa.

Với riêng tôi, 9 người con của má Chín thật hạnh phúc biết bao!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết