08/02/2023 - 08:19

Ðẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, năm 2022, có 46/63 tỉnh, thành vẫn còn để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công; 22 tỉnh, thành để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí. Thực trạng trên đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tiến hành đồng bộ các giải pháp thúc đẩy CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CÐS), góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, công khai và minh bạch.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC đúng hạn ở các địa phương ngày càng được nâng cao. Trong ảnh: Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Phong Ðiền.

Chuyển biến tích cực

Tại phiên họp lần 3 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đầu tháng 2-2023, các đại biểu đánh giá công tác CCHC có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, từ thể chế, TTHC, đến tổ chức bộ máy và CÐS. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Năm 2022, đã rà soát, cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Chính phủ cũng đã phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 699 TTHC thuộc 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Có 53/63 địa phương hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn tại bộ, ngành đạt 99,96%; tại địa phương, tỷ lệ này ở cấp tỉnh đạt 99,33%, cấp huyện đạt 98,27% và cấp xã đạt 99,56%.

Các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp CÐS, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại. Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Hiện tất cả 63 tỉnh, thành đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số. Riêng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 32 nền tảng phục vụ kinh tế số và xã hội số. Tính đến cuối năm 2022, tất cả dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80,05%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân mỗi ngày, có gần 2,36 triệu giao dịch thực hiện qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Việc thanh toán phí, lệ phí qua môi trường điện tử tăng lên rõ nét.  

Một số địa phương triển khai nhiều mô hình CCHC gắn với CÐS, qua đó tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC. Theo ông Nguyễn Hoàng Thông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã tích hợp, liên thông Cổng Dịch vụ công tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Ðề án 06 của Chính phủ. Ðặc biệt, đã xây dựng Cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp tại địa chỉ https://hotrodoanhnghiep.kiengiang.gov.vn; triển khai hạ tầng Trung tâm dữ liệu phục vụ CÐS theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây.

Tại TP Cần Thơ, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, địa phương cũng đã triển khai thí điểm nhiều nền tảng phục vụ công tác CCHC. Tiêu biểu như hệ thống giám sát tương tác phục vụ phản hồi của người dân (qua các kênh Tổng đài 1022, ứng dụng “Can Tho SmartCity”, Zalo và Facebook (1022 Cần Thơ), trang thông tin điện tử 1022.cantho.gov.vn) nhằm cung cấp dữ liệu mở của thành phố cho người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng phục vụ công việc. Tổ Công nghệ số cộng đồng, đội tình nguyện viên được thành lập ở các xã, thị trấn, trực tiếp đến các khu dân cư, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

Kết luận tại phiên họp lần 3 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn; việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa kịp thời; người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết TTHC; vẫn còn tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp, tham nhũng vặt còn diễn ra. Có 22/63 địa phương để xảy ra tình trạng công chức gợi ý đặt ra phí, lệ phí ngoài quy định khi thực hiện TTHC. Việc kết nối chia sẻ dữ liệu còn vướng mắc, chưa thông suốt; công tác CÐS ở các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi còn chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới. Có nơi còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Ðể khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải bám sát chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó. CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt, quyết tâm hành động từ Trung ương đến địa phương; cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, đi đầu trong cải cách. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC.

Theo Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai giải pháp tạo đột phá trong CCHC; ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của CCHC. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương; phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến; chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng đến khu vực dân cư để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại.

Chia sẻ bài viết