23/07/2019 - 12:47

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở VĨNH THẠNH

Ðầu tư tập trung để giảm chi phí, tăng lợi nhuận 

Trước tình hình khó khăn trong sản xuất do thời tiết, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định, vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp nói chung, canh tác lúa nói riêng là làm thế nào để giảm chi phí, tăng hiệu quả và lợi nhuận cho bà con nông dân... Việc đầu tư xây dựng các trạm bơm điện tập trung đã góp phần giải quyết những khó khăn đặt ra cho huyện vùng lúa Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Bơm rút nước tại trạm bơm điện E2-D2 (HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi).

Hai trong số những trạm bơm điện đầu tiên huyện Vĩnh Thạnh đưa vào khai thác đó là trạm E2-D2 và trạm kênh ranh Cần Thơ - An Giang (giữa kênh D và kênh E) thuộc xã Thạnh Lợi. Công trình do Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 6,72 tỉ đồng, đưa vào khai thác năm 2016, phục vụ cho 1.140ha đất trồng lúa thuộc 2 ấp E2 và D2. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi, cho biết: “Trước đây nông dân chúng tôi chủ yếu bơm tác bằng máy sử dụng động cơ diesel hoặc mô-tơ điện công suất nhỏ nên tốn kém nhiều chi phí và công sức. Vì vậy khi vào mùa vụ thường xảy ra tình trạng quá tải gây khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ ngày trạm bơm điện hoạt động việc sản xuất khá thuận lợi nên nông dân rất phấn khởi. Theo tính toán, việc bơm rút nước tập trung chi phí thấp hơn 50% so với sử dụng bằng máy bơm dầu diesel và giảm hơn 1/3 chi phí so với sử dụng mô-tơ công suất nhỏ”. Xã Thạnh Lợi được Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ đầu tư 3 trạm bơm điện, ngoài 2 trạm kể trên, trạm bơm điện C2-D2 đưa vào hoạt động năm 2018 với kinh phí 4,5 tỉ đồng, phục vụ diện tích 450ha thuộc 2 ấp C2 và D2. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, khẳng định: “Các trạm bơm điện được đầu tư trên địa bàn xã đã phát huy tốt hiệu quả, giúp các HTX và nông dân chủ động trong canh tác và góp phần giải quyết bài toán về giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất”.

Ngoài các trạm bơm điện do Chi cục Thủy lợi thành phố đầu tư ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh cũng tranh thủ các dự án, nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, vốn hỗ trợ lúa nước và kêu gọi các HTX tăng cường đầu tư để giải quyết nhu cầu cho bà con nông dân. Trên địa bàn huyện đã có 8 trạm bơm điện hoạt động, trong đó HTX Hiếu Bình, xã Thạnh An tự đầu tư 4 trạm và doanh nghiệp xây dựng 1 trạm tại vùng sản xuất Qui Lân 7 - Lân Quới 2, xã Thạnh Quới và chuyển giao cho HTX Thạnh Đạt quản lý, khai thác. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Trước tình hình khó khăn trong sản xuất do thời tiết, dịch bệnh, thị trường nông sản bấp bênh, vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp nói chung, canh tác lúa nói riêng là làm thế nào để giảm chi phí, tăng hiệu quả và lợi nhuận cho bà con nông dân... Việc đầu tư xây dựng các trạm bơm điện tập trung đã góp phần giải quyết những khó khăn đặt ra cho huyện vùng lúa Vĩnh Thạnh”.

Tiếp tục đẩy mạnh điện khí hóa trong sản xuất, thành phố và huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục đầu tư xây dựng 12 công trình trạm bơm với tổng kinh phí hơn 23,76 tỉ đồng, dự kiến phục vụ cho 6.585ha. Trong đó, Chi cục Thủy lợi đầu tư công trình C2-D2 (kênh ranh Cần Thơ - An Giang), xã Thạnh Lợi. Dự án VnSAT hỗ trợ các HTX xây dựng 8 trạm, gồm: Kênh Thầy Ký, thị trấn Thạnh An (HTX Đồng Vạn tiếp nhận khai thác); 2 trạm C1-D1 (HTX Quyết Thắng, xã Thạnh Thắng); trạm G2-H2 (HTX Hiếu Bình, xã Thạnh An), các công trình này đang triển khai thực hiện. Riêng trạm C2-D2 kênh Đòn Dông và trạm C2-D2 kênh ranh (HTX Tân Lợi, xã Thạnh Lợi); trạm E1-F1 kênh Đòn Dông và trạm E1 - F1 kênh 1000 (HTX Thịnh Phát, xã Thạnh An) đang phê duyệt dự toán.

Từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, thủy lợi phí và vốn hỗ trợ lúa nước, huyện Vĩnh Thạnh cũng đang thực hiện 4 công trình: Trạm bơm điện kênh 250 (kênh Thắng Lợi 2, kênh T6, kênh 600, kênh giữa T6T7, xã Thạnh Mỹ); trạm bơm điện kênh 750 (kênh T6, kênh 1000, kênh T7, quốc lộ 80, xã Thạnh Mỹ); trạm bơm điện kênh 300 (kênh Đìa Tre, kênh 600, kênh Bảy Uẩn, kênh Bà Chiêu, xã Vĩnh Bình); trạm bơm điện liên xã kênh T5 (kênh T5, kênh 600, kênh T6, kênh Hậu Thổ Cư, xã Vĩnh Bình và Vĩnh Trinh), các công trình này có quy mô nhỏ, phục vụ từ 60-100ha.

Ông Nguyễn Văn Phán, thành viên HTX Thịnh Phát, nói: “Được sự đầu tư của Dự án VnSAT đã hỗ trợ xây dựng cho HTX Thịnh Phát 2 trạm bơm điện phục vụ toàn bộ diện tích hơn 800ha ấp E1, chúng tôi chờ mong từng ngày các công trình này hoàn thành để giúp HTX và bà con nông dân chủ động mùa vụ, góp phần giảm chi phí, sản xuất đạt hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Việc xây dựng các trạm bơm điện tập trung là một  khâu đột phá trong canh tác lúa, hỗ trợ các HTX và nông dân có thêm năng lực sản xuất, sức cạnh tranh về hàng hoá. So với bơm bằng máy hoặc sử dụng mô-tơ công sức nhỏ tốn kém nhiều chi phí, công sức bà con, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, giảm lợi nhuận. Các trạm bơm điện đáp ứng nhanh nên chủ động được lịch thời vụ, xuống giống tập trung, đồng loạt, tăng hiệu quả và lợi nhuận cho nông dân… Vì thế, cùng với tranh thủ sự đầu tư của thành phố, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, Phòng NN&PTNT huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện ưu tiên nguồn vốn xây dựng các trạm bơm có quy mô nhỏ và vừa giúp các HTX và nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu hiện đại hóa nền nông nghiệp”.

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết