Những vật dụng từ len như áo, khăn, nón... từ lâu đã quen thuộc với nhiều người. Một đôi vợ chồng trẻ ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã khoác “áo mới” cho nghề đan len truyền thống với những sản phẩm hiện đại, phù hợp xu hướng tiêu dùng của khách hàng, nhất là giới trẻ.

Anh Tuyền, chị Nhi móc len cho kịp đơn hàng.
Đó là vợ chồng chị Lê Thanh Ái Nhi và anh Nguyễn Văn Tuyền, chủ cửa hàng Len Thỏ, tại hẻm 68, đường Cách mạng tháng 8. Căn nhà chật hẹp, được trưng bày kín cả lối đi những sản phẩm từ len và vật dụng để làm nghề. Hẻm nhỏ, nhà nhỏ nhưng nơi đây có rất nhiều người tìm đến để chọn lựa những sản phẩm từ len.
Đến cửa hàng Len Thỏ của chị Ái Nhi, nhiều người không thể ngờ từ những sợi chỉ len lại có thể làm ra những sản phẩm công phu, nghệ thuật. Các sản phẩm từ len của vợ chồng chị Nhi làm ra có thể chia làm 3 nhóm: áo dài len, búp bê các loại và túi ly giữ nhiệt. Trong đó, áo dài len là mặt hàng công phu và mất rất nhiều thời gian, không chỉ vì diện tích mặt len lớn mà còn bởi sự tinh tế, nghệ thuật, hài hòa giữa hoa văn, chất liệu và dáng vóc người mặc. Một chiếc áo dài đan đến vài tháng mới xong là chuyện bình thường. Chị Nhi kể: “Chưa đám nói là cô dâu đã đặt áo dài len cho đám cưới, vậy mà phải “vắt chân lên cổ” mới móc kịp cho khách”.
Hai mặt hàng bán chạy nhất của chị Ái Nhi là búp bê len và túi ly giữ nhiệt. Với búp bê, chị Nhi nghĩ ra cách móc len tạo hình búp bê body, để người mua về tự may và cho búp bê mặc những bộ trang phục họ thích; hay là những búp bê hoàn chỉnh, mang về trưng ngay. Đặc biệt, búp bê cưới là mặt hàng rất được ưa chuộng bởi sự độc quyền, mới lạ. Có những cặp vợ chồng công tác trong ngành Công an, ngành Giáo dục hay công nhân, dân tộc Khmer, Hoa... thì chị Nhi và anh Tuyền sẽ làm ra những cặp búp bê cưới với trang phục phù hợp tương ứng để đảm bảo “có một không hai”. Anh Tuyền kể: “Có những mẫu khách yêu cầu mà vợ chồng chưa từng làm qua nhưng vẫn nhận lời rồi từ từ mày mò sáng tạo, dĩ nhiên phải cần có thời gian”.
Túi ly giữ nhiệt có nhiều chủng loại, chất liệu nhưng với sản phẩm của chị Nhi làm ra thì lúc nào cũng là “độc bản”, bởi mỗi cái chị sáng tạo những kiểu dáng, hình ảnh rất riêng. Hôm chúng tôi đến, nhiều khách nhận túi ly giữ nhiệt đã đặt và không khỏi thích thú với hình những chú chó mặt xệ, bông hoa, biểu trưng công ty... được làm từ len nhưng sống động như thật. Em Nguyễn Thị Lệ Trinh, khách hàng, cho biết: “Em có nuôi chú chó mặt xệ và rất yêu quý nó nên nhờ chị Nhi làm một túi ly giữ nhiệt có hình chú chó. Em không ngờ chị Nhi làm đẹp quá sức tưởng tượng của em, rất hài lòng”.
Một loại hình khác cũng rất công phu, sáng tạo từ len mà chị Nhi và anh Tuyền thực hiện thành công là búp bê truyền thần. Giống như loại hình vẽ tranh truyền thần, nghĩa là búp bê được làm gần giống đến hơn 80% mẫu thật ở ngoài từ thần sắc, gương mặt, đôi mắt...
Nói về cơ duyên đến với nghề, chị Nhi nói vui: “Nhờ thất nghiệp!”. Năm 2013, chị Nhi học xong cao đẳng nhưng xin việc làm mãi không được nên mua len về móc quần áo cho trẻ em từ nghề xưa mẹ dạy để giải khuây. Anh Tuyền hồi nhỏ cũng biết nghề móc len nên đồng hành cùng vợ. Sản phẩm làm ra khá đẹp, họ đăng lên facebook bán và được nhiều người ủng hộ. Công việc từ len “ăn nên làm ra” từ đó. Năm 2014, chị Nhi và anh Tuyền thực sự kiếm tiền từ nghề móc len. “Khởi nghiệp chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng để mua nguyên vật liệu. Còn lại chỉ là niềm đam mê và mong muốn có cái nghề để mưu sinh”, chị Nhi chia sẻ.
Đến nay, cửa hàng Len Thỏ của vợ chồng trẻ đã được nhiều người biết đến, nhất là qua các trang mạng xã hội. Các mặt hàng len của chị Nhi, anh Tuyền bán khắp nơi trong cả nước và một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thu nhập chừng hơn chục triệu mỗi tháng ở thời điểm hiện tại giúp anh chị trang trải cuộc sống và có động lực theo đuổi nghề nghiệp.
Chị Nhi cho biết thêm, nghề này phải cập nhật xu hướng, thị hiếu khách hàng liên tục, không là sẽ bị tụt hậu. Điều đó đòi hỏi người móc len phải học hỏi thêm trên mạng internet, tự mày mò nghiên cứu. “Nghề này cũng dễ bị “bắt chước” nên trước khi người khác muốn “học lóm” một mẫu nào đó, thì tôi đã bỏ mẫu đó và sáng tạo mẫu mới lạ hơn”, theo chị Nhi.
Mô hình khởi nghiệp của chị Nhi được xem là hình mẫu của phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở địa phương, từng được Hội LHPN TP Cần Thơ, quận Ninh Kiều... khen thưởng. Đằng sau thành công đó là hình ảnh đôi vợ chồng trẻ gò lưng với chỉ len, thâu đêm suốt sáng cho kịp những đơn hàng và sâu thẳm là tình yêu nghề len với những sáng tạo không ngừng.
Bài, ảnh: DUY KHÔI