30/09/2024 - 13:04

Ðằng sau con số 13 triệu phụ nữ “mất tích” tại vùng Vịnh 

Khi nói đến các quốc gia vùng Vịnh hiện đại, giàu dầu mỏ như Saudi Arabia, Qatar hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), người ta thường nghĩ về cuộc sống xa hoa ở đó. Song, ẩn sau những tòa nhà chọc trời cao chót vót và các trung tâm thương mại lộng lẫy là một thực tế đáng lo ngại: phụ nữ thường vắng bóng trong bức tranh kinh tế của khu vực.

Shihana Alazzaz, người được bổ nhiệm làm phó tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng Saudi Arabia hồi năm 2022. Ảnh: Saudi Gazette

Mặc dù vùng Vịnh có tỷ lệ sinh bình thường, với khoảng 96 bé gái/100 bé trai, nhưng lại có sự thay đổi đáng kể ở tuổi trưởng thành. Theo đó, cứ 100 nam giới ở khu vực thì chỉ có 58 phụ nữ. Qatar là trường hợp đáng chú ý nhất, với chỉ 38 phụ nữ/100 nam giới. Sự mất cân bằng giới tính này chủ yếu là do dòng lao động từ nước ngoài “chảy” vào. Ở một số quốc gia vùng Vịnh, lao động nước ngoài chiếm tới 95% lực lượng lao động và hầu hết trong số này là nam giới. Giới chuyên gia ước tính, tại các quốc gia vùng Vịnh, tổng cộng có khoảng 13 triệu phụ nữ “mất tích” - thuật ngữ chỉ ra sự thiếu hụt về số lượng phụ nữ so với số lượng phụ nữ dự kiến ​​ở một khu vực hoặc quốc gia.

Nguyên nhân sâu xa của sự mất cân bằng giới tính nói trên bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của khu vực. Bất chấp những cải cách gần đây, nhiều quốc gia vùng Vịnh vẫn duy trì luật giám hộ, trong đó yêu cầu phụ nữ phải xin phép nam giới để có được các quyền cơ bản như kết hôn, đi máy bay hay khởi nghiệp một số loại hình kinh doanh nhất định.

Ngoài ra, các chuẩn mực văn hóa tại khu vực thường chỉ cho phép phụ nữ làm các công việc gia đình, từ đó hạn chế cơ hội tìm việc của họ. Điều này không có nghĩa là không có phụ nữ nào ở khu vực tìm được việc làm. Ước tính, 40% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở vùng Vịnh hiện có việc làm. Tuy nhiên, họ thường nhận mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp nam, một phần vì họ không được kỳ vọng sẽ là trụ cột gia đình. Nhiều nghiên cứu cũng phát hiện, phần lớn phụ nữ ở vùng Vịnh không thể tiếp cận được công tác đào tạo tại nơi làm việc. Nhiều nhà tuyển dụng thậm chí còn không muốn đầu tư vào sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ, bởi lo ngại họ có thể nghỉ việc vì lý do gia đình.

Một nghiên cứu từ năm 2013 cho thấy, việc xóa bỏ rào cản đối với việc làm của phụ nữ có thể thúc đẩy tăng trưởng đáng kể ở các quốc gia phía Nam Địa Trung Hải, khiến mức lương cạnh tranh hơn, giúp các doanh nghiệp bán sản phẩm ra nước ngoài nhiều hơn, đồng thời kích cầu chi tiêu và đầu tư kinh doanh. Thật vậy, một báo cáo hồi năm 2015 của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey & Company (Mỹ) cho thấy việc cải thiện tình trạng bình đẳng giới hằng năm có thể bổ sung thêm khoảng 600 tỉ USD vào GDP ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2025.

Trái lại, việc hạn chế phụ nữ tham gia thị trường việc làm làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của vùng Vịnh vào lao động nước ngoài. Ngân hàng Thế giới ước tính, lượng kiều hối từ các quốc gia vùng Vịnh lên tới con số 669 tỉ USD hồi năm 2023.

Trong bối cảnh trên, nhiều nước trong khu vực đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Đơn cử, UAE đã đạt được bình đẳng giới ở cấp quốc hội, trong khi Saudi Arabia hồi năm 2019 dỡ bỏ lệnh cấm lái xe đối với phụ nữ, từ đó giúp gia tăng triển vọng nghề nghiệp của phụ nữ, còn Bahrain và Qatar đều cho phép phụ nữ làm thẩm phán. Một số quốc gia vùng Vịnh còn bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí cấp cao trong chính phủ. Ví dụ, cô Shihana Alazzaz hồi năm 2022 được bổ nhiệm làm phó tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng Saudi Arabia, trở thành phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Trong khi đó, khu vực tư nhân tại khu vực cũng đang đưa ra nhiều sáng kiến nhằm trao quyền cho phụ nữ cũng như cung cấp cho họ nhiều lựa chọn việc làm linh hoạt hơn.

TRÍ VĂN (Theo Asia Times)

 

 

Chia sẻ bài viết