29/06/2018 - 07:50

[Ấn Độ] Các công ty khởi nghiệp ngành dược “tuyên chiến” với siêu vi khuẩn 

Theo Bloomberg, mỗi năm Ấn Độ có gần 60.000 trẻ mới sinh tử vong vì nhiễm siêu vi khuẩn. Tình trạng lây lan nhanh chóng của các loại vi khuẩn kháng thuốc khiến quốc gia Nam Á này trở thành tâm điểm trong cuộc chiến ngăn chặn thời “hậu kháng sinh”, tức thế giới mà sinh mạng con người lại bị đe dọa vì hàng ngàn bệnh nhiễm trùng thông thường do vi khuẩn đề kháng thuốc.

Phòng nghiên cứu thuốc chống siêu vi khuẩn của công ty GangaGen ở thành phố Bengaluru. Ảnh: Bloomberg
Phòng nghiên cứu thuốc chống siêu vi khuẩn của công ty GangaGen ở thành phố Bengaluru. Ảnh: Bloomberg

“Chúng tôi đang ở tuyến đầu. Chúng tôi đang tạo ra “viên đạn” chống lại các sinh vật đang hủy hoại nhân loại” – ông Anand Anandkumar, người đồng sáng lập công ty phát triển thuốc kháng sinh mới Bugworks Research India ở thành phố Bengaluru, thủ phủ bang Karnataka ở miền Nam Ấn Độ, cho biết. Được biết, Anandkuma đã thành lập công ty này sau cái chết của cha ông, một bác sĩ chuyên về bệnh lây nhiễm qua đời vì nhiễm phải một loại vi khuẩn kháng lại đa số các loại thuốc kháng sinh.

Trên thực tế, hành vi sử dụng kháng sinh (trên cả người và động vật) ít được kiểm soát ở Ấn Độ trong nhiều năm qua, cùng với tình trạng nước thải từ ngành công nghiệp dược phẩm địa phương xả tràn lan vào nguồn nước sử dụng đã khiến nước này mất dần khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Theo nghiên cứu của một bệnh viện ở miền Nam Ấn Độ, 50% số bệnh nhân từng nằm viện đã mắc phải ít nhất một bệnh nhiễm trùng và khoảng 74% trong số đó cho thấy có sự đề kháng với nhiều loại thuốc.

Đối mặt với thực trạng vi khuẩn kháng thuốc trong nước, Ấn Độ đã bắt đầu hành động bằng việc tài trợ nghiên cứu sớm cho các công ty mới khởi nghiệp, cũng như cung cấp các phương tiện tư vấn và hỗ trợ. Riêng chính quyền New Delhi còn tài trợ cho một vườn ươm khởi nghiệp, mà trong đó có sự góp mặt của Bugworks Research India cùng 21 hãng công nghệ sinh học khác.

Nhờ ưu thế của Ấn Độ là có chi phí nghiên cứu thấp trong khi dồi dào về nguồn sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, nhiều doanh nghiệp nước này đang tích cực tham gia vào nỗ lực ngăn chặn làn sóng gia tăng các siêu vi khuẩn. Chẳng hạn như Biomoneta, công ty có trụ sở ở thành phố Bengaluru, hiện tập trung phát triển một hệ thống lọc không khí, dùng tiêu diệt các vi khuẩn bệnh viện trước khi chúng có thể lây sang bệnh nhân. Còn tại một khu công nghiệp gần đó, công ty GangaGen đang nghiên cứu về các thực khuẩn thể (Phages - các vi-rút ăn vi khuẩn), nhằm tách ra các prôtêin có thể tạo thành thuốc tiêu diệt siêu vi khuẩn.

Trước Ấn Độ, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu hành động chống siêu vi khuẩn từ nhiều năm qua. Đơn cử, chính phủ Mỹ hồi năm 2015 đã phát động Sáng kiến chống vi khuẩn kháng kháng sinh. Còn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016, hơn 80 công ty chăm sóc sức khỏe - trong đó có các hãng dược danh tiếng như Pfizer (Mỹ), Novartis (Thụy Sĩ)  và GlaxoSmithKline (Anh) - đã cam kết chung tay chống lại các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Trong khi đó, các chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp, rút ngắn thời gian phê chuẩn và mở rộng việc bảo vệ bằng sáng chế y khoa.

HUY MINH

Chia sẻ bài viết