02/02/2018 - 15:10

Về miệt An Giang 

Miền đất An Giang là nét độc đáo của miền Tây sông nước, nơi khởi nguồn của hai dòng sông lớn, nơi của những cánh đồng bát ngát, nơi của những ngọn núi xanh và cả những huyền bí từ thuở sơ khai, là nơi định cư của nhiều dân tộc… Đây là điều hấp dẫn du khách.

Bông ô môi nhuộm hồng cả trời biên giới. Ảnh: DU MIÊN

Bông ô môi nhuộm hồng cả trời biên giới. Ảnh: DU MIÊN

Cuối năm, không phải là cao điểm du lịch nhưng An Giang vẫn là điểm đến cuối tuần đối với nhiều du khách, nhất là những người yêu thiên nhiên, mê nhiếp ảnh.

Mùa này, miền An Giang có những góc trời đầy hoa. Lành lạnh gió bấc non, cây ô môi đang trơ trụi như cành khô bỗng tung hoa khoe sắc, nhuốm một màu hồng nhạt. Ở Tây Bắc có hoa mận, hoa đào hay Tây Nguyên có mai anh đào báo xuân sang; thì ở miền Tây Nam Bộ, sau hoa mai vàng, hoa ô môi là đại diện. Trước đây, cả miền Tây hầu như đâu cũng có ô môi. Cây cao xòe bóng mát như cây còng, cây phượng. Dần dà, kinh mương, đường sá mở rộng, nhà cửa mọc lên nhiều nên cây ô môi lùi dần và mất hút. Bây giờ, tìm được cây không phải dễ. Ấy vậy mà ở An Giang, vẫn còn những cây ô môi to lớn, mọc ven sông, xen lẫn khu dân cư, trong vườn nhà…

Từ Long Xuyên, dọc theo Tỉnh lộ 943 vào Núi Sập hay dọc quốc lộ 91 đi Châu Đốc, Tịnh Biên, có rất nhiều cây ô môi ven đường, giữa ruộng, mùa này đầy hoa. Nhưng có lẽ, đẹp nhất là dọc tuyến kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đi Hà Tiên. Đây là con kinh đào xưa, được công thần nhà Nguyễn – cụ Thoại Ngọc Hầu cho đào trong thời kỳ khai mở vùng đất này. Con kinh dài thẳng tắp xuyên ngang qua cánh đồng biên giới rộng mênh mông, trù phú. Dọc hai bên bờ còn đậm nét làng quê Nam bộ với bến sông, con đò. Mỗi chiều, người dân vẫn tắm, giặt bên bờ sông. Dọc bờ kinh, ô môi khoe sắc. Nhiều nhất là đoạn Bà Bài, An Nông, Lạc Quới, Vĩnh Gia… Ô môi hàng chục năm tuổi, cây cao vút, xòe rộng. Hoa nở rợp cả bầu trời.

Loài cây này không phải là cây bản địa mà có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Người ta chẳng nhớ nó xuất hiện ở vùng Tây Nam Bộ này từ khi nào. Các cụ ngày xưa đã trèo hái trái ô môi từ bé, ăn có vị chát nhưng đầy thích thú. Ô môi gần gũi với đời sống thường ngày nên tự lúc nào nó đi vào thơ ca, tân cổ… Riêng tại Long Xuyên hiện vẫn còn bến đò mang tên Ô Môi hằng ngày đưa khách qua cù lao Ông Hổ. Theo thời gian, hoa ô môi chuyển từ hồng sang màu đậm hơn rồi tím thẫm vào độ tháng ba trước khi tàn và cho ra trái.

Hoa ban đỏ khoe sắc ở chùa Hang. Ảnh: DU MIÊN

Hoa ban đỏ khoe sắc ở chùa Hang. Ảnh: DU MIÊN

An Giang mùa này còn rực rỡ màu hoa ban đỏ. Khác với hoa ban Tây Bắc hay Đà Lạt chỉ có màu trắng, vùng đất này trồng rất nhiều hoa ban đỏ vì chúng có thể sống ở môi trường khí hậu nóng, ra hoa gần như quanh năm. Nhưng mùa giáp Tết lành lạnh, hoa ra nhiều và rực rỡ hơn. Về miền An Giang, có dịp ghé lại khu du lịch di tích – tâm linh Núi Sam, du khách đừng quên viếng chùa Hang  - ngôi chùa cổ kính này ngập tràn hoa ban đỏ. Giữa chốn Thiền môn, hoa ban đỏ không phá vỡ vẻ trầm mặc, tôn nghiêm. Mà ngược lại, hoa càng tôn thêm vẻ đẹp của ngôi chùa. Gần đây, chùa trở thành điểm đến cùa nhiều du khách, sau hành hương, chiêm bái là vãn cảnh. Cảnh chùa khá thơ mộng bởi nằm lưng chừng núi nhìn xuống làng mạc, cánh đồng biên giới và là nơi tuyệt vời để ngắm hoàng hôn. Chùa cổ được sửa sang khang trang và uy nghiêm nhưng vẫn giữ nét u tịch, trầm mặc của cửa Thiền. Bởi thế, dù đến để chiêm bái hay “sống ảo”, du khách cần phải ăn mặc kín đáo và giữ tôn nghiêm, tránh làm ảnh hưởng đến nhà chùa và khách hành hương khác.

Một cảm giác khác khi đến miền An Giang vào mùa này là bềnh bồng giữa mây trời. Khu du lịch tâm linh Núi Cấm hoặc núi Cô Tô là hai điểm đến lý tưởng để ngắm sương giăng mỗi chiều, ngắm mây mỗi sáng. Có những ngày, mây mù bao phủ hơn một phần thời gian trong ngày. Giữa miền nhiệt đới, du khách có cảm giác như bềnh bồng giữa mây ngàn Tây Bắc hay cái lành lạnh của xứ ngàn hoa Đà Lạt. Trên núi, du khách có thể ngủ nhờ lại nhà dân, các cơ sở tôn giáo hoặc giăng lều ngủ giữa mây trời đều rất an toàn, thích hợp để chụp ảnh, săn mây. Điều khá thú vị ở những hồ nước mùa này là những cành cây trụi lá. Chúng mọc chơ vơ, chỉ còn những cành xương khô. Trong mắt những người mê chụp ảnh, đây là thời điểm lý tưởng để có những khoảnh khắc chụp hồ nước đẹp đến nao lòng thay vì chỉ chụp cảnh mặt nước trong veo xanh biếc dưới bầu trời. Xen lẫn giữa núi non hùng vĩ, những hồ nhân tạo chủ yếu phục vụ thủy lợi vùng Bảy Núi lại là những điểm đến của du khách, mùa này trở thành điểm săn ảnh lý tưởng.

Về miệt An Giang mùa cuối năm vừa vãn cảnh, săn ảnh, vừa hành hương để cầu mọi đều tốt đẹp cho năm mới rất lý tưởng cho chuyến đi hai ngày cuối tuần. Du khách có thể đi cùng gia đình, bè bạn hoặc chỉ đi một mình bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân để tận hưởng hết vẻ đẹp của vùng đất giàu văn hóa và thiên nhiên xinh đẹp.

DU MIÊN

Chia sẻ bài viết