02/04/2018 - 09:48

Một thời Sơn đông mãi võ... 

Bộ phim truyền hình "Đất phương Nam" chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất. Bộ phim do Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn và viết kịch bản. Trong phim có cảnh ông Tiều Sơn đông mãi võ (Minh Ngọc) và thằng An (Hùng Thuận) biểu diễn màn phóng dao thẳng vào người cô bé Xinh Xinh (Xuân Trang) để… bán thuốc. Xem phim tôi nhớ lại những gánh Sơn đông mãi võ ở Cà Mau vào thập niên 80 của thế kỷ trước.

Khi đó tôi chỉ là cậu bé khoảng 10 tuổi, rất thích xem các gánh Sơn đông mãi võ biểu diễn. Mỗi khi ra chợ, hễ gặp gánh Sơn đông là tôi nhào vô chiếm hàng đầu. Trong ký ức của tôi, mỗi gánh Sơn đông mãi võ khoảng 4-5 người hoạt động, chủ yếu là bán thuốc Đông y gia truyền. Để thu hút nhiều người đến xem và mua thuốc, họ thường biểu diễn những màn xiếc, ảo thuật, múa võ rất hấp dẫn.

Nhổ răng không cần thuốc tê. Ảnh tư liệu

Các bãi đất trống nơi có đông người qua lại như: gầm cầu Cà Mau (khi xưa gọi là Cầu Mới, thuộc Phường 2, Phường 5); bến Công Chánh (trước là sân vận động, nay là Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim); Bến xe Cà Mau (nay là đường An Dương Vương, Phường 7); ngã 5 chợ tôm khô Phường 2; Bến tàu A ở Phường 1; Bến tàu B ở Phường 8… là những điểm thường xuyên có các gánh Sơn đông mãi võ đến biểu diễn. Đạo cụ của các gánh này chẳng có gì nhiều ngoài một vài cái rương đựng thuốc để bán và đồ nghề biểu diễn võ thuật, xiếc và ảo thuật. Ngoài ra còn có trống, phèng la, có gánh còn có con khỉ biết chạy xe đạp…

Một buổi biểu diễn của gánh Sơn đông mãi võ diễn ra trong khoảng 1-2 giờ đồng hồ vào buổi sáng. Họ đến một bãi đất trống bày dụng cụ ra, đánh trống, vỗ phèng la và bắt đầu rao. Khi đông người tập trung đến xem, một người trong gánh sẽ biểu diễn một vài món ảo thuật lặt vặt, tiếp theo đó sẽ là màn rao bán thuốc. Ban đầu họ giới thiệu về công năng và hiệu quả của thuốc gia truyền như: cao đơn hoàn tán, thuốc rượu đả trật khớp, thuốc xổ… Sau đó xen kẽ màn xiếc hoặc múa võ và bán thuốc tiếp, thậm chí có cả nhổ răng không cần thuốc tê.

Cái sự bán thuốc của các gánh Sơn đông cũng rất chi là “nghệ thuật”. Trước khi giới thiệu một loại thuốc, họ thường chuẩn bị biểu diễn một tiết mục nào đó và giới thiệu lòng vòng về tiết mục đó, nhưng vẫn chưa biểu diễn mà chỉ quảng cáo bán thuốc. Chẳng hạn khi bán thuốc uống điều hoà kinh nguyệt cho phụ nữ, người chủ gánh đọc thơ “Cô nào chồng bỏ chồng chê/Uống vô một gói chồng mê tới già”. Mấy chị phụ nữ nghe xong mắt chớp chớp, mặt mày đỏ ké tỏ ra vừa thích thú, vừa e thẹn.

Trong tiếng trống và tiếng phèng la tùng xèng inh ỏi, khi những người phụ trợ trong nhóm cầm thuốc đi giới thiệu xung quanh, trong đám đông nhiều cánh tay đưa ra “tui 1 gói”, “tui 2 gói”… thì người chủ gánh chỉ về phía những người giơ tay la to “bán cho dì Hai bên kia 2 gói”, “cô Ba bên này 2 gói”, “thím Bảy phía trước lấy 1 gói” … Cứ thế cho đến khi hết người mua thuốc thì tiết mục giới thiệu lúc đầu mới được biểu diễn. Thế nên, bọn con nít khi bước vào xem gánh Sơn đông biểu diễn khó mà bỏ về nửa chừng được.

Lúc còn nhỏ chưa nhận thức được nhiều nên xem tiết mục nào thấy cũng hay và suy nghĩ: “sao con người quá phi thường”, dám nằm xuôi tay cho người khác chất gạch lên người, rồi dùng búa đập gạch vỡ vụn?

So với các nhóm bán thuốc dạo trên xe hay tàu đò ngày nay với thủ đoạn lừa bịp, thậm chí hăm doạ, ép buộc khách mua thuốc, thì các gánh Sơn đông mãi võ ngày xưa có lương tâm và đạo đức hơn nhiều. Phần lớn họ đều là những người có võ công thực sự, bán những thứ thuốc gia truyền do chính họ làm ra hoặc mua hàng từ người khác, nhưng chí ít cũng không phải đồ dỏm. Những tiết mục họ trình diễn đều phải trải qua quá trình khổ luyện và cũng có những tiết mục rất nguy hiểm cho bản thân như: múa võ đánh cong thanh sắt vào người, chỏi cây thương vào cổ họng, đâm kiếm vào họng, chặt gạch bằng tay hoặc nuốt lưỡi lam… Tất cả họ đều tỏ ra là những người lao động chân chính để mưu sinh.

Hình ảnh những gánh Sơn đông mãi võ trước được miêu tả trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Nhà văn Đoàn Giỏi và được đưa lên phim ảnh trong "Đất phương Nam", sau đó Nghệ sĩ Mạc Can tái hiện trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, mà ông là người trong cuộc. Tác phẩm kể về những thân phận hẩm hiu trong một đoàn xiếc theo kiểu Sơn đông mãi võ, trong đó có tiết mục phóng dao nguy hiểm nhưng vẫn phải diễn hằng ngày, vì nó là miếng cơm của cả gánh.

Ngày nay, thời của công nghệ kỹ thuật số, muốn xem một pha múa võ, một tiết mục xiếc hay ảo thuật thì quá dễ dàng, chỉ cần ngồi ở nhà bật ti-vi lên và xem với hình ảnh HD chất lượng cao, nhưng không bao giờ có được không khí sôi động với âm thanh “tùng xèng” pha lẫn tiếng rao của người chủ gánh Sơn đông mãi võ ngày xưa. Bởi ở những buổi biểu diễn đó, người xem còn được đắm mình trong sinh hoạt hội hè đường phố và có được dấu ấn khó phai mờ mãi về sau này, khi những gánh Sơn đông chỉ còn trong ký ức.

Theo Báo Cà Mau

Chia sẻ bài viết