11/02/2010 - 15:15

Y tế cộng đồng - Niềm tự hào của Cuba

Năm qua có một chuyện hết sức thú vị là khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố kế hoạch cải tổ hệ thống chăm sóc y tế xứ cờ hoa, Mạng tin tức truyền hình cáp CNN nước này đã chọn ra 5 mô hình y tế điển hình của thế giới mà nước Mỹ có thể tham khảo, trong đó có Cuba. Việc CNN đánh giá cao hệ thống chăm sóc y tế của Cuba ngang hàng với các nước có nền y học phát triển như Canada, Đức, Ấn Độ và Trung Quốc một lần nữa khẳng định tính hiệu quả của mô hình y tế cộng đồng tại quốc gia đông dân nhất vùng Caribe.

* Vì nhân dân và phục vụ nhân dân

“Đáng kinh ngạc”, “ấn tượng” và “thiết thực” là những mỹ từ mà CNN và nhiều báo đài khác dành cho hệ thống chăm sóc y tế của Cuba, một mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng ưu việt và là lá cờ đầu của nền y học Mỹ La-tinh.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Cuba tại cơ sở.  Ảnh: Scielo Public Health 

Tất cả người dân trên đảo quốc tự do, không phân biệt giàu nghèo, đều được chăm sóc sức khỏe miễn phí và bình đẳng suốt đời ở cả 4 cấp (bác sĩ gia đình, trạm y tế khu phố, bệnh viện và các viện y khoa chuyên ngành). Cuba có mạng lưới y tế rộng khắp đến tận khu phố, thôn làng, với khoảng 436 bệnh viện đa khoa, 275 bệnh viện chuyên khoa, các viện y học chuyên ngành... với tỷ lệ bình quân 150 dân có một bác sĩ, đứng đầu thế giới về tỷ lệ này. Hiện tại, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh ở Cuba là 0,47%, thấp hơn Mỹ (0,7%) và tuổi thọ trung bình của người dân Cuba là 78 tuổi, cao nhất Mỹ La-tinh. Số người sống bách niên ở đây đã hơn 1.500 cụ (trong tổng số 11,7 triệu dân).

Bên cạnh đó, Cuba là nước có khả năng phòng dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt. Cứ 6 tháng, người dân được kiểm tra sức khỏe tổng quát một lần. Mọi người đều được xét nghiệm HIV, lao phổi, và một số bệnh truyền nhiễm khác. Thậm chí khi một bệnh nhân được xác định hoàn toàn không có bệnh cũng được bác sĩ bất ngờ đến thăm mỗi năm một lần để nhận được những lời khuyên về lối sống và cách sinh hoạt lành mạnh. Đây là lý do Cuba có tỷ lệ người nhiễm HIV thấp nhất châu Mỹ (0,03%, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 0,6%). Hơn thế, tất cả trẻ em đều được tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh cơ bản. Chương trình tiêm chủng cộng đồng đã giúp “xứ sở xì gà” trở thành nơi không có bệnh bạch hầu, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm màng não. Hệ thống phòng khám bệnh phục vụ 24/24 đảm bảo công tác khám chữa bệnh xuyên suốt cho người dân mà không cần đến bệnh viện.

* Một cường quốc về công nghệ y sinh

Nói đến Cuba, người ta thường nghe nhiều về một đất nước nghèo khó đang chịu sự cấm vận về kinh tế, chính trị do Mỹ áp đặt từ những năm 1960 đến nay, nhưng ít ai biết rằng đây là một cường quốc về công nghệ y sinh.

Những sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tự hào với tấm bằng tốt nghiệp đại học y khoa ở Cuba. Ảnh: Granma.cu 

Do bị cấm vận, La Havana ưu tiên phát triển ngành công nghệ sinh học không có vốn đầu tư của nước ngoài với định hướng phân phối nội địa, hợp tác quốc tế và xuất khẩu. Hiện tại, Cuba có trên 52 viện nghiên cứu ở Thủ đô La Havana với hơn 12.000 nhà nghiên cứu. Giới chuyên gia khắp thế giới đánh giá Cuba có những phòng thí nghiệm tiên tiến với đội ngũ bác sĩ và nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế. Tiêu biểu là Viện Y học nhiệt đới Pedro Kouri, nơi đang liên kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nghiên cứu các loại vắc-xin phòng bệnh dịch tả mới, phòng bệnh sốt xuất huyết, chống HIV/AIDS... Những viện nghiên cứu nổi tiếng khác có thể kể đến là Viện vắc-xin Finlay, Trung tâm miễn dịch học CIM, Trung tâm Kỹ nghệ di truyền và Công nghệ sinh học CIGB, Trung tâm khoa học quốc gia CENIC...

Hiện tại, Cuba có khoảng 38 loại dược phẩm được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia. Đặc biệt, vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B của Cuba đã được xuất khẩu đến hơn 30 nước và được đánh giá cao về uy tín chất lượng. Xuất khẩu dược phẩm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Cuba khi mỗi năm mang về nguồn ngoại tệ hơn 300 triệu USD. Lệnh cấm vận của Mỹ là rào cản lớn ngăn cản dược phẩm Cuba thâm nhập thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ít nhất 7 công ty Mỹ muốn hợp tác với Cuba để sản xuất, phân phối và bán sản phẩm Heberprot-P của CIGB, điều trị viêm loét và làm giảm đến 50% nguy cơ tháo khớp chân do các vết loét của bệnh tiểu đường gây ra. Ngoài ra, chính phủ Mỹ trong năm 2009 cũng đã cấp phép cho thử nghiệm lâm sàng thuốc chữa ung thư Nimotuzumab của Cuba trên lãnh thổ Mỹ. Loại thuốc này giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, trong đó có ung thư não, đang được thử nghiệm tại nhiều cơ quan nghiên cứu của Mỹ và sẽ công bố kết quả vào năm 2010.

* Tinh thần quốc tế vô sản

 Các bác sĩ Cuba tại một trại tị nạn ở Timor-Leste. Ảnh: La’o Hamutuk.

Cuba còn là một điển hình về đào tạo, hợp tác và giúp đỡ y học, cung cấp lực lượng y bác sĩ và chuyên gia y tế cho thế giới. Từ sau thắng lợi của cuộc cách mạng năm 1959 đến nay, Cuba đã đào tạo được hơn 71.000 bác sĩ và 60.000 thạc sĩ y khoa, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong nước và thực hiện sứ mệnh quốc tế. Hệ thống các trường và viện nghiên cứu không ngừng được mở rộng và hiện đại hóa về cơ sở vật chất và công nghệ. Trình độ vượt bậc về công nghệ sinh học, chuyên môn nhãn khoa, sản khoa, phẫu thuật chỉnh hình... cho phép Cuba thể hiện tinh thần quốc tế vô sản trong hoạt động y tế nhân đạo số một thế giới.

Đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế Cuba sẵn sàng giúp đỡ nhân dân các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh và thậm chí ở Mỹ. Cuba là một trong những nước đầu tiên đề nghị cử bác sĩ sang giúp Mỹ khắc phục hậu quả cơn bão Katrina năm 2005. Cho đến nay, đã có gần 114.000 lượt bác sĩ và nhân viên y tế Cuba tình nguyện đến hợp tác và giúp đỡ y tế tại hơn 103 quốc gia. Trong số này, Venezuela là một trong số nước được Cuba giúp đỡ nhiều nhất với khoảng 20.000 bác sĩ và tình nguyện viên y tế, giúp Venezuela xây dựng trên 600 trung tâm chữa bệnh, 600 nhà hồi phục sức khỏe và khoảng 35 trung tâm nghiên cứu công nghệ cao.

Việt Nam – Cuba có mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp và bền vững, trong đó có hợp tác về y tế và công nghệ sinh học. Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba tại Đồng Hới (Quảng Bình) là một trong những công trình trọng điểm in đậm dấu ấn sự giúp đỡ của Cuba đối với Việt Nam. Từ năm 2004 đến nay trung tâm CIGB của Cuba từng bước chuyển giao nhiều kỹ thuật công nghệ cho Trung tâm công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh để sản xuất các chế phẩm sinh học, chủ yếu là vắc-xin dùng cho người. Cuba cũng đã chuyển giao công nghệ ghép thận cho ngành y tế Việt Nam, tạo tiền đề phát triển công nghệ ghép tạng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Cuba đã và đang giúp đào tạo cho Việt Nam hơn 2.000 cán bộ, trong đó có bác sĩ và thạc sĩ y khoa. Năm học 2009-2010, Chính phủ Cuba dành cho sinh viên Việt Nam 15 suất học bổng toàn phần.

Các chương trình y tế nhân đạo của Cuba đã tiến hành khám, chữa bệnh và cứu sống được hàng triệu bệnh nhân hiểm nghèo. Nổi bật là chương trình mổ mắt miễn phí “Phẫu thuật kỳ diệu” do nguyên chủ tịch Fidel Castro phát động đã thành công và đang mang lại tiếng vang lớn cho nền y học của Cuba tại 35 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, có khoảng 30.000 sinh viên quốc tế đang theo học y khoa tại các trường ở Cuba. Nổi bật là Đại học Y Mỹ La-tinh tại La Havana, một trong những trường đại học y tầm cỡ thế giới với hơn 10.000 sinh viên quốc tế, chủ yếu là các nước khu vực Mỹ La-tinh, vùng Caribe, châu Á và châu Phi. Đại học Y Mỹ La-tinh đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc y tế tại Cuba, đồng thời là nơi đào tạo bác sĩ đa khoa và chuyên gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân các nước đang phát triển. Nhiều sinh viên nghèo của Mỹ cũng được cấp học bổng toàn phần tại Cuba.

* * *

Y tế thực sự đã trở thành một thế mạnh ngoại giao giúp Cuba vẫn “hiên ngang nơi đầu sóng”, vượt qua cuộc bao vây cấm vận của Mỹ. Với nền y tế cộng đồng thực sự hướng đến phục vụ nhân dân trong nước và những dân tộc nghèo khổ trên thế giới, cùng với những thành tựu y học uy tín, đáng tự hào, Cuba ngày càng khẳng định tầm vóc và vị thế của mình trên trường quốc tế. Những thành công trong mô hình y tế của Cuba là bằng chứng khách quan và thuyết phục nhất về một mô hình khuôn mẫu, điển hình, xứng đáng được quốc tế khen ngợi và học hỏi.

Chia sẻ bài viết