28/07/2017 - 15:20

Xứng tầm danh nhân văn hóa đất Tây Đô 

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã tiến hành an vị tượng đồng cố Giáo sư- Viện sĩ- Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tại công viên mang tên ông- nằm giữa lòng đô thị Cần Thơ sầm uất. Pho tượng đẹp, toát lên khí chất của một danh nhân văn hóa, được dư luận đánh giá cao.

Tượng cố Giáo sư - Viện sĩ - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tại công viên Lưu Hữu Phước. Ảnh: DUY KHÔI

 

Những ngày này, ai đi ngang công viên Lưu Hữu Phước đều ấn tượng với tượng đồng của người nhạc sĩ tài hoa, tay trái vắt hờ chiếc áo vest, tay phải cầm đàn ghi-ta, nét mặt vui vẻ, hồn hậu trong tư thế đang bước về phía trước. Ấn tượng nhất là gương mặt, được đánh giá là bắt được “cái thần” của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lúc sinh thời, nhất là đôi mắt sáng trong cặp kính cận tròn gắn liền với cuộc sống của ông. Bác Nguyễn Thành Hải, ngụ đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, cho biết, trước đây công viên lắp đặt tượng bán thân giống như tượng đặt trong Bảo tàng thành phố nhưng hơi nhỏ và không xứng tầm ở không gian công viên. Bức tượng toàn thân này đẹp và trang nhã. “Tôi thích nhất ở bức tượng toàn thân này là vừa toát lên khí chất của một nhà cách mạng, lại đầy chất lãng mạn, nghệ sĩ”- bác Hải nói.

Tượng nghệ thuật cố Giáo sư- Viện sĩ- Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được lắp đặt sau khi công viên Lưu Hữu Phước cải tạo khang trang đã điểm tô cho diện mạo thành phố. Ông Phạm Văn Luận, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết, sau khi nhận 7 phác thảo tượng của các nhà điêu khắc gửi về, thể hiện đa dạng các tư thế như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cầm sổ nhạc, đang ngồi đàn ghi-ta, cầm đàn ghi-ta bước đi… Sở đã trình thông qua Hội đồng Nghệ thuật cấp thành phố và đa số thành viên chọn mẫu số 1 (tức mẫu tượng đã được an vị, có chỉnh sửa một vài chi tiết- PV). Đồng thời, việc chọn mẫu phác thảo tượng cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng được tham khảo ý kiến gia đình của ông, các cán bộ văn hóa về hưu, các chuyên gia mỹ thuật. Đặc biệt, đầu năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã  lấy ý kiến nhân dân về mẫu phác thảo tượng nghệ thuật cố Giáo sư- Viện sĩ- Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước bằng cách trưng bày mẫu phác thảo bằng hình ảnh tại công viên Lưu Hữu Phước. “Theo đánh giá, pho tượng nêu rõ được thần thái của cố Giáo sư- Viện sĩ- Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, một nhà cách mạng trưởng thành từ phong trào đấu tranh của nhân dân, thể hiện sự gần gũi của ông với nhân dân. Dáng đi cầm đàn ghi-ta thể hiện phù hợp với kiến trúc không gian tại công viên Lưu Hữu Phước”- ông Phạm Văn Luận cho biết.

Pho tượng cố Giáo sư Lưu Hữu Phước được chọn là của nhà điêu khắc Đinh Quang An sáng tác (Đinh Quang An chính là tác giả tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Ninh Kiều hiện hữu). Pho tượng cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước bằng chất liệu đồng đỏ, tổng chiều cao lắp đặt là 4,29m (trong đó: tượng cao 2,57m, bệ tượng cao 1,72m). Kinh phí thực hiện hơn 1,65 tỉ đồng; trong đó phần tượng đồng và chi phí vận chuyển tượng khoảng 970 triệu đồng, do Công ty TNHH tập đoàn Thắng Lợi tài trợ.

Công viên Lưu Hữu Phước là một trong những công viên quy mô bậc nhất của TP Cần Thơ, rộng khoảng 2ha. Năm 2014, công viên được cải tạo lại với kinh phí trên 20 tỉ đồng, và việc lắp đặt tượng Giáo sư Lưu Hữu Phước là giai đoạn sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Từ nay, khách đến công viên ngoài để giải trí, ngắm cảnh, tập thể dục thể thao hay tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của thành phố mà còn chiêm ngưỡng chân dung một tài hoa âm nhạc, người con ưu tú của quê hương Cần Thơ.l

Giáo sư - Viện sĩ - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) quê Ô Môn, Cần Thơ. Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; Viện sĩ Thông tấn, Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc gia… Ông để lại cho nền âm nhạc Việt Nam một kho tàng ca khúc đồ sộ và giá trị, như “Lên đàng”, “Giải phóng miền Nam”, “Bạch Đằng Giang”, “Tình Bác sáng đời ta”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Dưới cờ Đảng vẻ vang”… Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học- nghệ thuật năm 1996.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết