30/06/2009 - 08:21

Xung quanh biến cố chính trị ở Honduras

Những người ủng hộ Tổng thống Zelaya đốt vỏ xe trên đường phố Thủ đô Tegucigalpa để phản đối việc ông bị phế truất.
Ảnh: AP

Sáng 28-6, quân đội Honduras đã phế truất và trục xuất Tổng thống Manuel Zelaya, 56 tuổi, tới Costa Rica. Cuộc đảo chính quân sự đầu tiên ở Trung Mỹ kể từ thời Chiến tranh lạnh đã làm cho quốc gia 7,8 triệu dân còn nghèo khó này lâm vào bất ổn.

Lên nắm quyền năm 2006, ông Zelaya đưa đất nước phát triển theo đường lối thiên tả, tăng cường quan hệ với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Điều đó đã gây mâu thuẫn giữa tổng thống với quân đội và tầng lớp thượng lưu bảo thủ ở nước này. Tuần rồi, ông Zelaya đã sa thải Tướng Romeo Vazquez, tham mưu trưởng quân đội, vì ông này từ chối hỗ trợ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp, cho phép tổng thống tái tranh cử sau một nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao phán quyết việc sa thải là bất hợp pháp và phục chức cho ông Vazquez. Bất chấp đề xuất sửa đổi hiến pháp bị phản đối từ phía tòa án, quốc hội và cả quân đội, ông Zelaya vẫn dự định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý không chính thức hôm 28-6. Nhưng chỉ vài giờ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông Zelaya bị lật đổ. Sau đó, Quốc hội Honduras đã chỉ định Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti làm tổng thống lâm thời cho tới khi diễn ra bầu cử vào tháng 11 tới.

Quân đội Honduras cũng tiến hành loại bỏ các đồng minh của ông Zelaya. Đại sứ Cuba tại Honduras Carlos Rodriguez đã bị tạm giữ một thời gian ngắn sau khi ông cùng một số nhà ngoại giao khác nỗ lực ngăn chặn quân đội Honduras phế truất Ngoại trưởng Patricia Rodas. Thị trưởng San Pedro Sula, thành phố lớn thứ hai ở Honduras, cũng bị bắt.

Venezuela đã đặt quân đội trong tình trạng báo động, đề phòng Đại sứ quán hoặc đặc phái viên của họ tại Honduras bị tấn công. Tổng thống Chavez cho rằng cần mở cuộc điều tra xem Washington có nhúng tay vào vụ lật đổ ông Zelaya hay không. Có tin nói rằng các quan chức Mỹ đã gặp gỡ một số tướng lĩnh quân đội Honduras vài ngày trước khi xảy ra đảo chính. Honduras từng là đồng minh gần gũi của Mỹ hồi thập niên 1980 và Mỹ hiện vẫn còn khoảng 550-600 binh sĩ đóng tại căn cứ không quân Soto Cano.

Nhà Trắng phủ nhận có bất cứ hành động can thiệp nào vào Honduras. Tổng thống Barack Obama nói: “Tôi kêu gọi tất cả những lực lượng trong chính giới và xã hội ở Honduras tôn trọng các tiêu chuẩn dân chủ, pháp quyền và những nguyên tắc trong Hiến chương Dân chủ liên Mỹ. Mọi bất đồng hay căng thẳng hiện đang tồn tại cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”. Một quan chức Mỹ sau đó nói rằng Washington chỉ công nhận ông Zelaya là tổng thống Honduras. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng bày tỏ mong muốn ông Zelaya sẽ được phục chức. Trong khi đó, Tổ chức các nước châu Mỹ đã thông qua nghị quyết yêu cầu “sự trở lại ngay lập tức, an toàn và vô điều kiện của Tổng thống hợp hiến Zelaya”. Liên minh châu Âu (EU) và hàng loạt các quốc gia khác cũng lên tiếng ủng hộ ông Zelaya.

N.MINH (Theo Bloomberg, Reuters, BBC, WSJ)

Những người ủng hộ Tổng thống Zelaya đốt vỏ xe trên đường phố Thủ đô Tegucigalpa để phản 

Chia sẻ bài viết