17/05/2011 - 21:57

Xuất khẩu rau quả đứng trước nhiều cơ hội

Vùng trồng chôm chôm của tổ hợp tác Tiên Phú, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, mới đây đã được Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Hoa Kỳ cấp mã số chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ. Trong khi đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand được dự báo sẽ tăng cường nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam.

Chôm chôm Việt Nam. 

Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Mỹ đạt 600 tấn, tương đương với 70% tổng số lượng xuất khẩu hồi năm ngoái vào thị trường này. Trái chôm chôm đầu tiên của Việt Nam sẽ có mặt trên thị trường Mỹ trong vài ngày tới. Tại Nhật Bản, xuất khẩu thanh long của ta đạt 200 tấn, so với 420 tấn của cả năm 2010. Xuất khẩu thanh long vào Hàn Quốc thì đạt 40 tấn kể từ khi lệnh cấm nhập khẩu của nước này được nới lỏng tháng 10 năm ngoái. Dự kiến trong năm nay, lượng thanh long xuất khẩu của nước ta vào Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đạt 2.600 tấn, tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2010. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, một nhóm chuyên gia New Zealand đã sang Việt Nam kiểm tra các bước chuẩn bị xuất khẩu trái xoài tươi và có thể được xuất bến vào đầu năm tới.

Với những tín hiệu lạc quan này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2011 có thể đạt 500-510 triệu USD, so với 471 triệu USD năm ngoái. Ông cho biết nhiều loại trái cây của Việt Nam đã ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp và Canada nhờ vào chất lượng không ngừng cải thiện, đáp ứng đầy đủ nhiều tiêu chuẩn an toàn của các thị trường trên thế giới. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã cấp giấy chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm (GAP) cho thanh long Việt Nam nên xuất khẩu mặt hàng này vào EU tăng 70% so với năm 2009. Đây là thị trường nhập khẩu rau quả tươi lớn nhất thế giới với nhiều loại trái cây khác mà Việt Nam có thế mạnh như chuối, xoài, khóm, đu đủ.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ trái cây tươi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu năm ngoái đạt khoảng 235 triệu USD (chiếm 50%), Nhật Bản đứng thứ hai với khoảng 54,5 triệu USD. Những con số này cho thấy lượng trái cây của Việt Nam hiện còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của các thị trường lớn như EU, Mỹ, Hàn Quốc. Vì vậy, nếu chúng ta tận dụng triệt để cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều loại trái cây tươi thì giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đến năm 2015 không chỉ dừng lại con số 1 tỉ USD mà Bộ NN&PTNT đã đề ra.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết