07/04/2011 - 09:50

Xuất khẩu gạo tăng, nhưng thách thức còn ở phía trước

Sáng 6-4, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã họp với các thành viên sơ kết xuất khẩu gạo quý I/2011 và triển khai kế hoạch quý II. Đồng thời, sơ kết kết quả tình hình thu mua tạm trữ, tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân 2010- 2011. Theo VFA, xuất khẩu quý I tăng nhanh, nhưng sang quý II tình hình xuất khẩu sẽ khó khăn. Do vậy, việc điều hành thu mua tạm trữ, giá gạo xuất khẩu cần được tính toán bài bản, để đảm bảo nông dân có lợi.

Tăng trong thách thức

Nhập gạo vào kho tại Công ty Gentraco. Ảnh: CTV 

Theo VFA, xuất khẩu quý I/2011 đạt trên 1,8 triệu tấn gạo các loại, trị giá hơn 884 triệu USD (giá FOB) tăng 42,2% về số lượng và 45,7% về giá trị. Riêng tháng 3-2011, xuất khẩu 751.591 tấn gạo các loại, trong đó thị trường châu Phi chiếm khoảng 400.000 tấn, còn lại là thị trường Philippines và Trung Quốc. Giá xuất khẩu gạo bình quân (giá FOB) đạt 478,12USD/tấn; tăng 8,19USD/tấn so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, hợp đồng tập trung chiếm 70%, còn lại là hợp đồng thương mại.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, thị trường gạo quý I diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp (DN) đã chủ động thị trường và Philippines không còn là “ẩn số” dù có thay đổi chính sách nhập khẩu. Thị trường châu Phi và Trung Đông bất ổn chính trị, nhưng được thay thế bằng thị trường Indonesia, Bangladesh, nên xuất khẩu gạo trong quý đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Ngay từ đầu vụ, VFA đã triển khai cho các thành viên thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ, vừa chủ động ký hợp đồng, vừa đảm bảo tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân với mức trên 5.000 đồng/kg (lúa khô). Vụ đông xuân 2010-2011, nông dân đạt mức lợi nhuận khá và tranh thủ xuống giống lúa hè thu 2011, nên đây là thách thức cho điều hành xuất khẩu trong quý II, quý III.

Theo VFA, đến cuối tháng 3-2011, lượng gạo tồn kho trong DN trên 1,48 triệu tấn, giảm 20%, trong khi hợp đồng thương mại tăng gần 15% so cùng kỳ năm 2010. Lượng gạo tồn kho chủ yếu ở Tổng Công ty Lương thực miền Bắc 195.000 tấn, Tổng Công ty Lương thực miền Nam 436.226 tấn, còn lại nằm trong kho của các DN hội viên VFA. Tuy nhiên, hiện lượng gạo tồn kho trong DN không nhiều, một số nông dân trữ lúa chờ giá, nhưng sản lượng rất ít. Hiện giá lúa ở ĐBSCL đang ở mức 5.800- 6.000 đồng/kg (lúa khô tại kho) và có xu hướng ổn định do lượng lúa đông xuân không còn nhiều. Toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1,14 triệu héc-ta lúa đông xuân, đạt trên 73% diện tích gieo sạ, sản lượng 7,52 triệu tấn. Đến cuối tháng 3, các DN đã thu mua tạm trữ 783.205 tấn (đạt trên 78,3% kế hoạch). Theo VFA, số lượng hợp đồng chưa giao hàng đến nay khoảng 1,5 triệu tấn, cao hơn mức tồn kho trong DN, nên sẽ tạo điều kiện giữ được tiến độ xuất khẩu gạo trong quý II. Ngoài ra, cách điều hành linh hoạt về giá xuất khẩu của VFA cũng tạo được sự đồng thuận cao trong DN thành viên.

Những “ẩn số” thị trường

Theo dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2011 có xu hướng giảm, do dự trữ tăng, lượng tồn kho lớn. Do vậy, xuất khẩu gạo quý II có thể giảm, nếu không có yếu tố mới xuất hiện. Dự báo của VFA, thị trường gạo quý II/2011 tập trung chủ yếu ở Philippines nhập khoảng 860.000 tấn gạo (trong đó, 200.000 tấn đã ký hợp đồng tập trung với Việt Nam, còn lại 660.000 tấn được phân bổ quota nhập khẩu cho tư nhân); Trung Quốc nổi lên như thị trường tiềm năng, nhưng chưa xác định lượng nhập là bao nhiêu; còn Bangladesh chủ yếu nhập gạo đồ; thị trường Nhật Bản do ảnh hưởng của sóng thần và động đất cũng sẽ nhập gạo bù lượng thiếu hụt, nhưng gạo Mỹ chiếm thị phần chủ yếu; thị trường châu Phi vẫn còn nhiều bất ổn chính trị... Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu giao đầu tháng 4-2011 của Việt Nam và Thái Lan chỉ chênh lệch nhau 10-15USD/tấn (gạo 5% và 25% tấm). Hiện Thái Lan tăng cường bán ra và tăng ngân sách để bảo hiểm giá lúa cho nông dân, dự kiến vụ 2 đạt 9 triệu tấn lúa, chính phủ Thái Lan đã duyệt 35 tỉ Bath để bảo hiểm giá lúa cho nông dân. Đây là thách thức lớn cho Việt Nam trong việc giữ thị phần trước đối thủ cạnh tranh Thái Lan.

- Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong tháng 3, tồn kho cuối kỳ toàn cầu tăng 4,8% lên đến 98,8 triệu tấn, thương mại gạo giảm 2,9% còn 30,2 triệu tấn so với năm 2010. Thương mại gạo chung trong quý I ước tăng 14% so với năm 2010 (và tăng 27% so với năm 2009). Trong đó, Thái Lan xuất khẩu tăng khoảng 50% do tăng cường bán gạo cũ, Việt Nam tăng trên 42% do tiến độ giao hàng nhanh, nhưng Ấn Độ giảm 11% do tiếp tục lệnh cấm xuất khẩu gạo, Pakistan giảm 40% do cung cấp hạn chế và Mỹ giảm 16% do thiếu cạnh tranh.

-Dự kiến xuất khẩu gạo trong quý II đạt 2 triệu tấn.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong phân tích: Quý II, tồn kho của các nước đều tăng cao hơn so với các năm (chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ). Thương mại gạo giảm so với 2010, sốt lương thực thế giới chỉ thiếu lúa mì ở Nga, Đông Âu, Trung Quốc do mất mùa. Thị trường Bắc Phi, châu Phi bất ổn định, nên bán gạo ở khu vực này sẽ gặp khó. Giá lúa mì đang lên cao, các nước mất mùa có thể quay lại mua gạo. Do vậy, các DN cần rà soát lại lượng gạo tồn kho để cân đối kế hoạch xuất 6 tháng đầu năm. Theo ông Phong, không có khả năng giảm giá lúa gạo, DN cần theo dõi sát diễn biến tình hình của Trung Quốc, châu Phi. Trung Quốc nhập khẩu gạo Việt Nam vẫn là “ẩn số”- nhập tiểu ngạch sẽ khó kiểm soát, và thị trường Việt Nam sẽ biến động. Ngoài nhập 130.000 tấn đăng ký với VFA, Trung Quốc cũng đang nhập tiểu ngạch, thương lái mua hàng cung ứng cho DN xuất đi Trung Quốc đã xuất hiện nhiều ở ĐBSCL. Còn thị trường Philippines cho thương nhân nhập 600.000 tấn, chủ yếu là đóng container xuất khẩu, nhưng thời gian cho nhập hàng chỉ 50 ngày. Nhiều DN lo ngại tình trạng đóng container xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí lưu tại cảng, có thể xảy ra ách tắc hàng ở các Cảng TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ. Ông Phong cho rằng, nếu các DN đã ký hợp đồng với Philippines lô hàng giá thấp, phải theo dõi và xử lý bằng biện pháp kỹ thuật để hủy hợp đồng. Bởi giá gạo của Thái Lan đang áp sát gạo Việt Nam, nếu để mất thị trường này, DN sẽ khó trong giành lại.

Hiện toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống 231.000 ha lúa hè thu 2011. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA yêu cầu các thành viên tích cực thu mua tạm trữ lúa cho dân, nếu đầu vụ tiêu thụ chậm sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu. Các hội viên vừa kinh doanh, xuất khẩu vừa phải có trách nhiệm tham gia bình ổn giá lương thực ở địa phương, không để sốt lương thực, giá tăng quá mức để người dân thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp (KCN) gặp khó, nếu KCN có nhiều người thu nhập thấp, DN phải mở cửa hàng bán gạo, giá thấp hơn giá thị trường 10- 15% và chấp hành điều hành của địa phương. Lúa hè thu vẫn đảm bảo thu mua không dưới 5.000 đồng/kg (lúa khô) cho nông dân. Còn quý III, nếu thị trường châu Phi và Trung Quốc ổn định thì xuất khẩu sẽ ổn. Ngược lại, thị trường này bất ổn, xuất khẩu có khả năng giảm...

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết