14/06/2024 - 15:46

Xử trí nhanh, đúng khi trẻ gặp nạn 

(CTO) - Các bác sĩ nhi khoa ghi nhận, vào mùa hè, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích thường gia tăng. Đáng nói là một số trường hợp sơ cứu ban đầu cho trẻ sai cách hoặc chậm trễ, dẫn đến biến chứng, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. Vì thế, khi trẻ gặp nạn, cần xử trí nhanh, đúng cách và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

Cho trẻ học bơi, ngăn ngừa tai nạn đuối nước.

Chậm cấp cứu, nguy cho trẻ

Mới đây, bé gái 11 tuổi, ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang bất ngờ bị rắn cắn khi vào nhà bếp. Lẽ ra phải đưa ngay bé đến bệnh viện (BV), thì gia đình lại đưa bé đến thầy lang hút nọc độc, bó chân. Sau đó, tình trạng bé diễn biến trầm trọng, gia đình mới đưa bé đến BV địa phương rồi chuyển lên BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Khi đó bé hôn mê, suy hô hấp nặng, nguy kịch. Các bác sĩ tích cực hồi sức, đặt nội khí quản thở máy cho bé, liên tục truyền huyết thanh kháng nọc, tiêm kháng sinh, chăm sóc vết thương, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc. Rất may bé hồi phục tốt.

Hiện nay, việc điều trị rắn cắn bằng huyết thanh rất hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Cách sơ cứu đúng khi bị rắn cắn là rửa sạch rồi sát trùng vết cắn, trấn an nạn nhân, bất động chi bị cắn và đặt thấp hơn so với tim, sau đó nhanh chóng đến BV. Trường hợp bị rắn hổ cắn, nên quấn băng thun phía trên vết cắn để hạn chế nọc lan nhanh. Không nên rạch vết cắn, nặn, hút nọc, đắp lá cây hay buộc garo, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết.

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường Việt Nam, trong các loại tai nạn thương tích ở trẻ em, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Mỗi năm có khoảng 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0 - 19 tuổi tử vong, tương đương khoảng 10 trẻ tử vong mỗi ngày do đuối nước. Thông tin từ BV Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu mùa hè đến nay đã có 3 trường hợp nhập viện cấp cứu vì đuối nước. May mắn không có trường hợp tử vong.

BS CKI Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết nhiều trường hợp bị đuối nước được sơ cấp cứu bằng mẹo dân gian, ảnh hưởng thời gian vàng chữa trị cho trẻ. Trước đây, BV tiếp nhận những trường hợp đã “bó tay” sau khi người nhà sốc nước cho trẻ bằng cách chút đầu bệnh nhi xuống đất, vác lên vai chạy vòng quanh hoặc lăn lu nóng lên bụng khiến trẻ bị chấn thương nặng thêm và nhiều biến chứng nặng nề khác. Thời gian ngưng tim tối đa khoảng 4-10 phút, nếu vượt quá trẻ có thể bị tổn thương não, tử vong. Do vậy, khi cấp cứu trẻ đuối nước, cần nhanh chóng xử trí đúng cách, nhất là khâu hồi sức tim phổi, đồng thời gọi cấp cứu đến BV để được hỗ trợ.

Đầu tháng 6-2024, BV Nhi đồng TP Cần Thơ cũng tiếp nhận những trường hợp trẻ bị bỏng. Theo BS Nguyễn Trọng Nghĩa, đối với các trường hợp bỏng, bác sĩ đều mong muốn người nhà sơ cứu đúng cách cho trẻ để giảm biến chứng và di chứng đáng tiếc. Tùy nguyên nhân gây bỏng sẽ có những cách sơ cứu phù hợp cho bệnh nhi. Thông thường bỏng do nước sôi hay hóa chất, cần rửa vết thương với nước mát, nhiệt độ từ 15-200C trong khoảng 10-15 phút để làm giảm nhiệt, dịu cơn đau và tránh bội nhiễm. Sau đó đắp băng gạc lên vết thương cho trẻ, thay quần áo cho trẻ rồi đưa ngay đến cơ sở y tế. Không nên bôi kem đánh răng, nước mắm, đắp con giấm hay các loại lá lên vết thương, có thể dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương sâu hơn, làm chậm quá trình cấp cứu cho trẻ.

* Dạy trẻ kỹ năng ứng phó

Trẻ nhỏ thường tò mò, thích khám phá nên cũng thường gặp các tai nạn trong quá trình vui chơi, sinh hoạt. Trẻ hay bị thương tích như bỏng, đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tai nạn giao thông, các sự cố té ngã… Vì vậy, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, trong dịp hè, phụ huynh cần cảnh giác, thường xuyên để mắt tới mọi hoạt động của trẻ để đảm bảo an toàn cho trẻ. Khi trẻ ở nhà một mình, phụ huynh cần trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ và xử lý tình huống. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo một số kiến thức an toàn cơ bản cần trang bị cho trẻ:

- Không tự ý cắm, thay đổi phích cắm các thiết bị điện.

- Không chạm vào công tắc điện khi tay ướt.

- Ngắt cầu dao điện khi phát hiện xảy ra chập điện. Xử lý điểm cháy hoặc nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm (nếu có).

- Phòng cháy nổ, tránh bỏng khi sử dụng các thiết bị có phát lửa.

- Không bật bếp gas, quẹt gas, diêm khi không cần thiết.

- Không chơi đùa với diêm, quẹt gas, nến.

- Làm mát vết bỏng bằng nước lạnh ít nhất 20 phút nếu chẳng may bị bỏng.

- Nếu phát sinh cháy và không khống chế được đám cháy thì phải nhanh chóng chạy ra khỏi nhà và nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. Luôn đóng cửa, gài chốt, móc ổ khóa nhưng không bấm khóa để dễ dàng mở cửa thoát ra ngoài khi có sự cố.

- Hạn chế tiếp xúc với người lạ, từ chối các yêu cầu mở cửa từ người lạ. Trước khi mở cửa cho người khác phải gọi cho ba, mẹ hoặc người thân để xin phép.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết