12/09/2012 - 21:18

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Chính Phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2012/NĐ-CP ngày 7-9-2012 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nghị định này gồm 4 chương, 31 Điều; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2012.

Mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa 50 triệu đồng. Cụ thể: Đối với hành vi biếu, tặng cho, trao đổi tài sản nhà nước không đúng quy định, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng; từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với tài sản là ô tô hoặc có giá trị trên 100 triệu đồng; từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng, nếu tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Đối với hành vi cho mượn tài sản nhà nước không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, đối với hành vi cho mượn tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi cho mượn tài sản là xe ô tô, tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp...

Nghị định còn quy định các mức phạt cụ thể từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm và giá trị tài sản vi phạm đối với các hành vi VPHC khác như: Các VPHC về mua sắm tài sản, về thuê, mượn tài sản nhà nước, bố trí, sử dụng tài sản nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức và không đúng mục đích; vi phạm về lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, chiếm đoạt trái phép tài sản nhà nước; các VPHC trong quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; các VPHC trong quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước...

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, ngoài 2 biện pháp xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi hoặc bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng sử dụng tương đương tài sản ban đầu; bồi thường thiệt hại nếu để xảy ra thất thoát, hư hỏng tài sản; thu hồi chứng chỉ hoặc thẻ hành nghề...

HƯNG NGUYÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết