Kể từ sau kết thúc Chiến tranh Lạnh, hầu hết các nước châu Âu đã bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Nhưng giờ đây, hình thức này được áp dụng trở lại khi ngày càng nhiều quốc gia lo ngại viễn cảnh xung đột trực tiếp với Nga giữa thời điểm cuộc chiến ở Ukraine chưa đến hồi kết.
Quân số quân đội Ðức giảm bất chấp các chiến dịch tuyển dụng. Ảnh: Bundeswehr
Quân đội chưa sẵn sàng chiến tranh
Vào tháng 2-2022, Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và diễn tiến cuộc xung đột đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo châu Âu rằng lực lượng vũ trang của họ chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Trong đó, việc Kiev vật lộn tuyển đủ quân trước tốc độ huy động của Nga là “bài học” cho quân đội nhiều nước châu Âu, rằng họ không thể làm ngơ trước những thách thức lâu dài về nhân lực.
Trong nhiều thập kỷ, phần lớn quân đội châu Âu hoạt động với giả định rằng các kịch bản chiến tranh nằm ngoài khu vực và quy mô xung đột phụ thuộc nhiều vào công nghệ thay vì số lượng binh lính. Tuy nhiên, “cuộc chiến tranh tiêu hao” ở Ukraine cho thấy trong chiến tranh hiện đại, ngay cả khi sử dụng máy bay không người lái hay tên lửa siêu thanh thì vẫn có nhu cầu cao về binh lính. Với bối cảnh như vậy, chuyên gia Sophia Besch của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế trụ sở ở Washington cho biết tái áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc gần như là điều kiện để xây dựng lực lượng dự bị quân sự, một yếu tố cần thiết trong chiến tranh.
Vấn đề là đa phần các nước châu Âu đã đình chỉ nghĩa vụ quân sự bắt buộc sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Giai đoạn 2004-2011, một vùng rộng lớn của châu Âu không còn lực lượng dự bị quốc gia. Một số nước bao gồm Ðan Mạch, Estonia, Phần Lan, Síp, Hy Lạp, Áo và Thụy Sĩ không xóa bỏ nghĩa vụ quân sự nhưng cũng nới lỏng quy tắc.
Cho tới năm 2014, “cú sốc” từ việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea khiến nhiều chính phủ châu Âu, đặc biệt vùng Baltic phải suy nghĩ lại về vấn đề nghĩa vụ quân sự. Ðơn cử như Litva, nước này đã tái áp dụng một phần hình thức nghĩa vụ quân sự vào năm 2015 sau khi bãi bỏ hồi năm 2008. Cùng năm, Na Uy là thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp Bắc Ðại Tây Dương (NATO) thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ. Hai năm sau, Thụy Ðiển cũng thực thi trở lại chế độ tòng quân với cả nam và nữ để ứng phó môi trường an ninh ngày càng xấu đi tại châu Âu. Nối gót các quốc gia láng giềng, Latvia lần nữa áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc kể từ năm nay.
Còn ở Tây Âu, Pháp đã giới thiệu lại nghĩa vụ quân sự có điều chỉnh vào năm 2019. Các chính trị gia Ðức và Anh vài tháng trở lại đây cũng công khai thảo luận xem liệu có nên làm như vậy hay không trong bối cảnh quân đội đang phải vật lộn để tuyển đủ quân số.
Ðối mặt thách thức
Theo giới phân tích, chế độ quân dịch đi kèm chi phí đáng kể cho lực lượng vũ trang của một quốc gia. Chẳng hạn như ở Ðức, nghiên cứu gần đây ước tính việc tái áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự khiến Berlin tiêu tốn 76 tỉ USD/năm. Chế độ tòng quân bắt buộc cũng đòi hỏi sự hỗ trợ đáng kể từ lực lượng chuyên nghiệp sẵn có, vốn đang là vấn đề cạnh tranh giữa quân đội với khu vực tư nhân. Trường hợp tuyển đủ quân số, quân đội còn phải tìm cách giữ binh lính phục vụ đủ lâu để duy trì lực lượng có kinh nghiệm và sẵn sàng chiến đấu. Chẳng hạn như ở Pháp, tỷ lệ chấm dứt hợp đồng trước khi kết thúc khóa huấn luyện của năm 2022 là 32%, cao hơn so với giới hạn 25% của quân đội. Trong bối cảnh làn sóng cực hữu lan rộng ở châu Âu, chuyên gia Besch lo ngại nghĩa vụ quân sự bắt buộc có thể thúc đẩy sự lớn mạnh của các đảng chính trị cực đoan, vốn hoài nghi việc đầu tư vào quốc phòng.
Việc tái áp đặt nghĩa vụ quân sự nhìn chung không được dân chúng ủng hộ tại các nước Tây Âu và Trung Âu, đặc biệt là đối với các công dân trong độ tuổi bắt buộc. Ngay cả khi xảy ra chiến tranh, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có 32% công dân châu Âu sẵn sàng cầm súng vì đất nước của họ.
MAI QUYÊN (Theo DW, carnegieendowment)