10/02/2011 - 09:00

Xu hướng đầu tư Nam - Nam

Cái bắt tay giữa Tổng thống Indonesia Yudhoyono (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (trái) là biểu hiện của xu hướng hợp tác Nam - Nam. Ảnh: Reuters

Một sự kiện diễn ra hồi cuối tháng rồi đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của báo chí phương Tây. Đó là khi các nhà lãnh đạo của Indonesia và Ấn Độ tuyên bố đến năm 2015 kim ngạch mậu dịch song phương có thể tăng gấp đôi mức hiện nay lên 25 tỉ USD/năm. Hai bên đã ký hàng loạt hiệp ước đầu tư trị giá 15 tỉ USD trên nhiều lĩnh vực khác nhau - dấu hiệu cho thấy các mối quan hệ đang phát triển nhanh chóng giữa các nước mới nổi nhằm từng bước định hình lại nền kinh tế toàn cầu.

Các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ mà Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã chính thức ký với Ấn Độ trong chuyến thăm New Delhi cuối tháng rồi là một ví dụ điển hình của xu hướng đầu tư mới. Các nhà kinh tế gọi đó là đầu tư “Nam-Nam” và khẳng định chính sự hợp tác này đã đóng vai trò thiết yếu thúc đẩy buôn bán và đầu tư giữa các nước đang phát triển.

Trimex Sans, một bộ phận của tập đoàn Trimex của Ấn Độ, có kế hoạch thành lập nhà máy titanium ở Indonesia với chi phí ước tính hơn 800 triệu USD, trong khi công ty GVK Power & Infrastructure cho biết sẽ chi 4 -5 tỉ USD trong vòng 3-4 năm tới để xây dựng nhà ga sân bay tại thành phố Yogyakarta và đầu tư vào đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia. Các nhà phân tích cho rằng hàng loạt thỏa thuận như vậy sẽ giúp Ấn Độ đảm bảo tiếp cận nguồn cung nhiên liệu phong phú của Indonesia cho nhu cầu điện của Ấn Độ.

Theo các chuyên gia kinh tế, hình thức đầu tư “Nam - Nam” ngày càng trở thành một chiến lược phát triển quan trọng đối với hàng chục nền kinh tế đang phát triển trên khắp thế giới. Các nước này không còn chú trọng tìm kiếm dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển nhưng đang suy yếu ở châu Âu, Đông Bắc Á (chủ yếu là Nhật Bản) và Bắc Mỹ. Các nước đang phát triển thuộc hàng lớn nhất thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ đẩy mạnh chiến lược thâu tóm nguồn cung năng lượng và tài nguyên từ các nước mới nổi giàu tài nguyên khác như Indonesia, nhằm đảm bảo giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế nội địa. Kết quả là bùng nổ thương mại và đầu tư, giúp giảm tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính ở phương Tây năm 2008, và góp phần khôi phục đà tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trên bình diện toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước đang phát triển năm 2010 đạt ngưỡng 210 tỉ USD, tăng từ mức kỷ lục 207 tỉ USD năm 2008. Gần 2/3 số tiền đầu tư đó đến từ Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, và đa phần chảy vào các nước đang phát triển khác. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, tổng FDI toàn cầu năm 2010 đứng ở mức 1.122 tỉ USD, tăng nhẹ từ 1.114 tỉ USD năm trước đó, và giảm 25% so với mức bình quân trước khủng hoảng giai đoạn 2005-2007.

Hiện nay, các công ty của cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào châu Phi. Năm ngoái, FDI vào Ghana đã tăng gấp đôi, đạt 1,11 tỉ USD, trong đó các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 các dự án đang triển khai. Trong khi đó, công ty Bharti Airtel của Ấn Độ hiện có vai trò lớn ở các thị trường điện thoại di động tại 16 nước châu Phi và thu nguồn lợi lớn bởi viễn cảnh tăng trưởng ở đây.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang mất dần ảnh hưởng của mình, các nước đang phát triển có thể dựa vào nhau, hợp tác nhiều hơn.

Tăng cường quan hệ kinh tế Nam - Nam rốt cuộc có thể mang lại lợi ích cho các nước phát triển, vì nó thúc đẩy nhu cầu hàng chế tạo và dịch vụ từ các nước tiên tiến. Hơn nữa, không phải tất cả FDI từ các nước đang phát triển đều tìm đến các thị trường mới nổi khác. Ví như, công ty thép Sahaviriya của Thái Lan đang nỗ lực mua một nhà máy thép ở Đông Bắc nước Anh, trong khi tổ hợp Aditya Birla của Ấn Độ đàm phán để mua nhà sản xuất hóa chất Columbian có trụ sở ở Mỹ. Tuy nhiên, Dane Chamorro, giám đốc quản lý khu vực Bắc Á của công ty tư vấn rủi ro Control Risks có trụ sở ở Luân Đôn, nhận định việc các nước đang phát triển tăng cường hợp tác kinh tế lẫn nhau sẽ tiếp tục là xu hướng quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu, ngay cả khi các nền kinh tế phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ lấy lại đà tăng trưởng.

N. MINH (Theo WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết