ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, cho rằng: “Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Luật Quy hoạch 2017 và Quyết định 593/QĐ-TTg về thí điểm Quy chế liên kết vùng là bộ 3 “chính sách vàng” cho ĐBSCL. Nghị quyết 120 không phải là một kế hoạch để thực hiện liền ngay mà cần có những chương trình, kế hoạch để diễn dịch, cụ thể hóa từng chiến lược”. Thành quả 3 năm triển khai Nghị quyết 120 rất đáng mừng, nhưng còn rất nhiều việc phải làm để đi đến tương lai mới hơn cho ĐBSCL.
Phục hồi “sức khỏe” cho đồng bằng
Nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ chuyển ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Ảnh: V.C
Dù ĐBSCL đang đối mặt muôn vàn khó khăn, Nghị quyết 120 không giải quyết được các tác động từ thượng nguồn hay biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, nhưng sẽ giải quyết được việc phục hồi “sức khỏe” đất đai, sông ngòi, giảm sử dụng nước ngầm, sụt lún đất, phục hồi nguồn lợi thủy sản... cho ĐBSCL. Đồng thời sẽ giảm được các khoản đầu tư cho tối đa hóa sản lượng lúa, tránh các khoản đầu tư chống lại thiên nhiên, mà để dành nguồn lực đầu tư nhiều hơn vào phát triển bền vững.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để phát triển nông nghiệp và thủy sản bền vững ở ĐBSCL cần thiết phải thúc đẩy công tác quy hoạch tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ sự tham gia của các bên liên quan nhằm đánh giá chi tiết các thay đổi do BĐKH. Đồng thời đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động môi trường của các mô hình sử dụng đất đai, hướng đến “thuận thiên” bền vững. Thông qua ứng dụng công nghệ 4.0, tích hợp dữ liệu nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho người dân và doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh ở các tiểu vùng sinh thái nhằm tăng hiệu suất và bền vững. Vấn đề tiên quyết nhất để giải quyết các thách thức trong điều kiện BĐKH và toàn cầu hóa là liên kết nâng cao khả năng chống chịu trước các cú sốc.
Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, thời gian qua, người dân, chính quyền các địa phương và Trung ương đã có nhiều giải pháp cả về mặt công trình và phi công trình để ứng phó với BĐKH. Có những giải pháp rất thành công, nhất là về chuyển đổi sản xuất thích nghi điều kiện mới. Tuy nhiên, nhiều giải pháp được thực hiện thời gian qua như: xây dựng đê bao, ngăn dòng chảy... còn có tác động phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học và gây sụt lún, làm nguồn nước ô nhiễm. Để phục hồi sức khỏe cho ĐBSCL cần phải có cách tiếp cận mới. “Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra định hướng dùng bộ công cụ 8G để thích ứng với BĐKH. Qua bộ công cụ này, chúng ta thấy rằng, không chỉ “thuận thiên” mà còn “thuận dân” và thuận cả điều kiện môi trường. Nhưng nếu chúng ta “thuận thiên” theo từng cái đơn lẻ nó sẽ không hiệu quả, mà cần chiến lược tổng thể cho cả vùng với sự tham gia của các bên liên quan” - PGS.TS Trung nói.
Triển khai Nghị quyết 120, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu trực thuộc bộ chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có giá trị kinh tế, chất lượng cao, thích ứng với BĐKH, như: măng cụt, bưởi, cam, xoài, mãng cầu gai, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra với tổng kinh phí thực hiện khoảng 200 tỉ đồng. Có nhiều giống cây trồng có khả năng chịu được độ mặn lên đến 10‰. Thêm vào đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào tăng năng suất, chất lượng, giảm tác hại môi trường và phục hồi hệ sinh thái vùng ĐBSCL cũng được chú trọng. Những mô hình được đánh giá cao có thể kể đến như: tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, tôm sú sinh thái, hữu cơ quy mô lớn (tôm - lúa - rừng) tập trung ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh. Bộ còn xây dựng đề án quản lý và phát triển rừng ngập mặn phục vụ phòng hộ ven biển, ven sông cùng với phát triển sinh kế gắn với rừng sinh thái… Song, các mô hình “thuận thiên” nhằm mục tiêu phục hồi “sức khỏe” cho đồng bằng muốn lan tỏa trên phạm vi vùng cần lắm cái bắt tay của các địa phương trong công tác quy hoạch, tránh xung đột về lợi ích.
Cơ cấu lại sản xuất
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết hơn 3 năm qua, tỉnh chọn các giải pháp phi công trình để thích nghi với BĐKH, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất như: xử lý ra hoa nghịch vụ, tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Israel; quản lý, phòng trừ dịch bệnh bằng các biện pháp sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển giống, cây trồng, vật nuôi… Riêng năm 2020, tỉnh đã cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích gần 19.000ha (chủ yếu là lúa thu đông). Cùng với đó, Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển kinh tế, đô thị chia địa phương ra thành 3 vùng phát triển dựa vào thế mạnh riêng. Cụ thể, vùng trung tâm tập trung các sản phẩm chủ lực như: thanh long, vú sữa, rau, chim cút, gà ác. Vùng phía Tây là lúa, sầu riêng, cá tra, cá nuôi bè. Vùng phía Đông, ngoài cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ, còn tập trung cơ cấu lại ngành hàng gà thả vườn, tôm và nghêu.
Tại TP Cần Thơ, theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, giai đoạn 2020-2025, UBND TP Cần Thơ và Trường Ðại học Cần Thơ đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống, cải thiện chất lượng nông thủy sản... Ngành Nông nghiệp cũng xác định phải cấp thiết bố trí lại sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp tình hình mới, đây là một giải pháp phi công trình rất quan trọng. Song, để chuyển đổi sản xuất hiệu quả, vừa đảm bảo tốt đầu ra sản phẩm, vừa thích ứng với BĐKH và phát huy được tiềm năng lợi thế chung của toàn vùng đòi hỏi phải có sự liên kết từ Trung ương đến địa phương để có cơ chế, chính sách thống nhất và đồng bộ.
PGS.TS Mai Thành Phụng, người gắn bó nhiều năm với vùng Đồng Tháp Mười trong chọn tạo giống lúa cho vùng, cho rằng hạn mặn tại ĐBSCL vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, cần phải hỗ trợ cho nông dân biết cách thích nghi và chuyển đổi cây trồng. Ví dụ cây lúa, phải hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả, các giải pháp canh tác thông minh để ứng phó với BĐKH, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sản xuất.
Trên thực tế, canh tác lúa hiện nay ở ĐBSCL không còn thuận lợi như trước. Ông Nguyễn Văn Cường, ở ấp Tân Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, nói: “Từ năm 2015 đến nay, canh tác lúa không còn thuận lợi do thiếu nước, nắng, mưa cũng thất thường nên dịch bệnh nhiều hơn. Năng suất, sản lượng lúa ngày một giảm, mỗi vụ trồng lúa chỉ còn lời khoảng 700.000 đồng/công/3 tháng. Vì vậy, tôi bỏ lúa, lên liếp trồng măng cụt, nhãn, bắp. Không còn lo nguồn nước như cây lúa, thu nhập hiện nay cũng khoảng 30 triệu đồng trên 5 công đất/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa”. Còn ông Lý Tuấn Kiệt ở phường Thuận An, quận Thốt Thốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Mấy năm nay, tôi chỉ làm lúa vụ đông xuân và thu đông, còn vụ hè thu thì trồng cây mè. Cây mè chịu hạn rất tốt, 75 ngày là thu hoạch, năng suất 6-8 giạ/công, nông dân có thể lời 4-6 triệu đồng/công. Luân canh trồng mè trên nền đất lúa còn giúp cải tạo đất và tiêu diệt các mầm sâu bệnh, giúp lúa vụ sau trúng mùa hơn”...
Nông dân ở ĐBSCL rất năng động và nhạy với thị trường, thích nghi nhanh với các thay đổi. Tuy nhiên, họ cũng là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất khi có thay đổi, đặc biệt là cung - cầu thị trường. Tiêu thụ nông sản cần sự tham gia của “4 nhà” và dựa trên liên kết thị trường vùng, liên vùng mới có thể giải quyết các căn nguyên của bất cập. Và ĐBSCL không chỉ là câu chuyện “được mùa, rớt giá” của nông sản, mà tình trạng sụt lún, sạt lở cũng đe dọa đến sự tồn tại của đồng bằng. Để đi đến tương lai thịnh vượng cần sự liên kết chặt chẽ hơn.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Bài cuối: Hành động vì một ĐBSCL thịnh vượng