23/12/2017 - 16:54

Xoa dịu nỗi đau da cam 

Không may hứng chịu di chứng do chất độc quái ác thời chiến tranh gây ra, nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) lâm cảnh khốn khó triền miên. Cùng với các chế độ, chính sách chăm lo của Nhà nước, thông qua các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/ Dioxin, nhiều mạnh thường quân góp phần chia sẻ, xoa dịu nỗi đau, bất hạnh, tiếp thêm niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn cho nạn nhân.

Đại diện Công ty TNHH MTV bê tông Hồng Hà trao nhà tình thương cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thu Hà.

Anh Trần Công Tạo, ngụ khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng bị dị tật tay chân, đi đứng khó khăn, trí óc chậm chạp, lúc nhớ, khi quên. Em trai anh bị tâm thần, có khi suốt ngày lủi thủi trong nhà, có khi đi lang thang. Khốn khó chất chồng khi 2 anh sinh ra trong gia đình nghèo khó, thường xuyên thiếu trước hụt sau.

Nhờ địa phương quan tâm, mấy năm trước, gia đình anh Tạo được mạnh thường quân hỗ trợ cất nhà tình thương tươm tất, thay căn nhà cũ xuống cấp, rệu rã. Anh Tạo được Hội Nạn nhân CĐDC/ Dioxin thành phố hỗ trợ vốn vay không lãi 3 triệu đồng để bán vé số. Tuy không lanh lẹ nhưng anh Tạo rất chịu khó, bán vé số cũng kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày.

Vượt qua mặc cảm nạn nhân CĐDC, anh Tạo không chỉ tự lo cho mình, còn góp phần giúp gia đình thêm thu nhập. Ông Trần Văn Khanh, cha anh Tạo, cho biết: “Tạo có vốn đi bán vé số nên rất vui, vừa có thu nhập, vừa có cơ hội tiếp xúc mọi người và có thêm bạn mới. Tạo đi lại nhiều, đôi chân vận động cũng ngày một tốt hơn, mấy năm trước, Tạo không đi đứng được, chỉ lết thôi”.

Đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/ Dioxin TP Cần Thơ chi hơn 200 triệu đồng trợ vốn làm kinh tế cho các gia đình nạn nhân, với số vốn từ 3-5 triệu đồng/trường hợp. Hội ưu tiên quan tâm hỗ trợ nhà, trao học bổng, phương tiện đi lại, giúp nạn nhân ổn định cuộc sống.

Bà Trần Liên Kiều, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ, chia sẻ: “Đa phần hoạt động thực hiện nhờ sự đóng góp, hỗ trợ của các đơn vị, mạnh thường quân. Qua đó, giúp các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/ Dioxin hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các năm qua, một số đơn vị, cá nhân đóng góp thường xuyên cho công tác chăm sóc nạn nhân ở TP Cần Thơ như: Công ty TNHH Nhà nước MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ; Hội Nhân ái TP Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Toyota Ninh Kiều...; cá nhân có bà Phạm Thu Hương hay chị Ngụy Thái Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV bê tông Hồng Hà…”.

3 năm qua, Công ty TNHH Toyota Ninh Kiều liên tục đóng góp quỹ chăm sóc nạn nhân CĐDC/ Dioxin TP Cần Thơ, với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Theo ông Phạm Văn Bình, thành viên Hội đồng Quản trị, công ty có 80% nhân viên trẻ. Bên cạnh đóng góp chung cho quỹ chăm sóc nạn nhân CĐDC, dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán, một số bạn trẻ ở công ty tự thành lập nhóm, đóng góp mua kẹo, bánh, sữa đến thăm và vui chơi với các em nhỏ kém may mắn ở Trung tâm Công tác xã hội thành phố hoặc các điểm nuôi dạy trẻ mồ côi.

Ông Phạm Văn Bình nói: “Chúng tôi mong muốn qua các hoạt động thiện nguyện sẽ góp phần hun đúc lòng nhân ái, để các bạn trẻ biết trân trọng cuộc sống đang có và quan tâm, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh. Đồng thời, đây là cách để công ty góp phần vào nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội thành phố”.

Còn chị Ngụy Thái Hằng chia sẻ: “Mỗi khi giúp được cảnh đời khó khăn, chia sẻ nỗi vất vả, tôi thấy nhẹ lòng, vui lây, nhất là khi thấy các hoàn cảnh vui và bình an hơn trong cuộc sống”. 2 năm qua, chị Thái Hằng đóng góp gần 100 triệu đồng, hỗ trợ các nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ. Trong đó, cất nhà tình thương cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thu Hà, ấp Đông Hiển A, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai vào tháng 9-2016. Bà Nguyễn Thị Nhành, mẹ nạn nhân Thu Hà hiện chăm sóc 2 người con bị bệnh. Trong đó, chị Hà 37 tuổi, là nạn nhân CĐDC nặng, không tự phục vụ được. Còn con trai thứ Lê Văn Thế, 26 tuổi bị tâm thần do tai nạn giao thông. Từ khi ở nhà mới, mẹ con bà Nhành ngủ ngon hơn, bữa cơm ấm áp hơn.

Bà Trần Liên Kiều cho biết: “Hội luôn trân trọng đóng góp của từng cá nhân, đơn vị dành cho nạn nhân CĐDC, không phân biệt ít, nhiều. Như trường hợp bà Phạm Thu Hương, 69 tuổi, ở khu vực 2, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, làm chúng tôi không khỏi xúc động, trân quý khi bà dành công sức để cắt, may 50 cái mền trao tặng các gia đình nạn nhân mỗi dịp cuối năm. Hay như nhà hảo tâm khác di nguyện con cháu dùng hết tiền phúng điếu tang lễ, làm nguồn kinh phí trợ vốn làm ăn một số nạn nhân CĐDC…

Đáp lại thịnh tình đó, chúng tôi đảm bảo việc sử dụng các nguồn kinh phí thật minh bạch, trao quà đến tay nạn nhân để giữ uy tín, sự tin cậy của mạnh thường quân. Đồng thời, xem đó là cách tốt nhất để Hội kết nối thêm nhiều nhịp cầu nhân ái, giúp xoa dịu nỗi đau da cam”.

Bài; ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nỗi đau da cam