Thời gian qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nên việc đấu giá, cho thuê và quản lý sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn không ít khó khăn, bộc lộ những hạn chế nhất định... cần nhanh chóng khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất công.
* Thúc đẩy kinh tế phát triển
Từ năm 2011 đến nay, tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế- xã hội. Nhất là trong giai đoạn nhu cầu vốn đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chiếm rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư từ nguồn thu thuế, phí và hỗ trợ của Trung ương còn thấp so với yêu cầu đề ra. Nhận diện được thực tế này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo, rà soát, đưa ra các giải pháp khai thác quỹ đất, hạn chế tình trạng đất bỏ trống, gây lãng phí
nhằm tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư kết cấu hạ tầng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển kinh tế địa phương. Ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang, cho rằng: "Khi xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng đồng bộ thì đất đai cũng trở nên đắt đỏ. Việc quản lý khai thác tốt quỹ đất công sẽ tạo nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế -xã hội của địa phương".

Đoàn khảo sát đất công HĐND tỉnh Tiền Giang khảo sát tình hình quản lý, sử dụng đất công tại nhiều địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ảnh chụp tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang).
Trên địa bàn Tiền Giang có 2.095 tổ chức quản lý, sử dụng đất với tổng số thửa là 5.367 và tổng diện tích trên 6.305ha. Trong đó, đất do các tổ chức kinh tế đang quản lý, sử dụng chiếm diện tích nhiều nhất trên 3.910ha, hơn 62% tổng diện tích đất kiểm kê của tỉnh. Quỹ đất này được các đơn vị khai thác khá hiệu quả trong những năm qua. Theo đánh giá của HĐND tỉnh, đa số các diện tích đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất đưa vào sử dụng đúng mục đích, nhu cầu, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (chiếm khoảng 97% diện tích). Tiền thu được từ các đơn vị thuê đất, sử dụng đất đã đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn: Dự án đường Hùng Vương thu tiền sử dụng đất từ giao nền tái định cư (TĐC) và tổ chức đấu giá từ năm 2008-2013, số tiền nộp ngân sách trên 190,6 tỉ đồng; Trường Đại học Tiền Giang cũng thu tiền sử dụng đất từ giao nền TĐC và tổ chức đấu giá từ năm 2012-2013 trên 3 tỉ đồng
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, từ năm 2006 -2013, thu tiền sử dụng đất đạt trên 1.668 tỉ đồng, tiền thuê đất đạt trên 135 tỉ đồng tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhìn chung, các ngành, các cấp ngày càng phối hợp chặt chẽ thực hiện đúng quy trình xác định giá cho thuê; thời gian điều chỉnh giá cho thuê và cách tính giá điều chỉnh đúng quy định pháp luật nhà nước.
* Tăng cường khai thác tiềm năng quỹ đất công
Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tình hình đấu giá, cho thuê, sử dụng đất công vẫn còn không ít hạn chế. Điển hình như: công tác tuyên truyền pháp luật đất đai chưa sâu rộng; nhiều tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất không quản lý chặt chẽ thửa đất được giao trong quá trình sử dụng dẫn đến đất đai bị lấn chiếm, tranh chấp, bỏ hoang trong thời gian dài. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm chưa kịp thời; một số đơn vị thực hiện giao đất, cho thuê lại đất sai thẩm quyền; công tác tham mưu đề xuất của ngành chức năng quản lý đất đai các cấp chưa kịp thời, chặt chẽ
làm cho việc quản lý sử dụng đất vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gò Công Đông, bức xúc nói: Lâu nay, thời gian giải quyết hồ sơ đấu giá và cho thuê đất quá dài chưa kể còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong từng khâu gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và kế hoạch đấu giá. Vấn đề này cũng gây bức xúc cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TX Gò Công. Bởi theo đơn vị này, quy trình thực hiện một cuộc đấu giá phải triển khai qua 17 bước, khi hoàn thành thủ tục một hồ sơ đấu giá mất gần 1 năm. Đây cũng là khó khăn, bất cập khiến cho địa phương khó hoàn thành đúng chỉ tiêu được giao. Mặt khác, một số cơ chế chính sách không còn phù hợp với tình hình hiện nay, không áp dụng vào thực tế được dẫn đến nhiều diện tích trống vẫn chưa được khai thác
Bên cạnh đó, giá đất do UBND tỉnh quy định chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường nên có trường hợp lô đất đưa ra giá khởi điểm bằng giá đất do UBND tỉnh quy định trong bảng giá đất nhưng vẫn không có người mua vì không thể đề xuất giá thấp hơn khung giá của tỉnh. Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết: "Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tương đối cao. Do các ban ngành tỉnh đề nghị UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm đấu giá cao hơn giá ở khu vực. Vì vậy, một số lô đất phải mất 3 năm mới bán đấu giá xong, tốn nhiều thời gian, chi phí
".
HĐND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức đoàn khảo sát đất công khảo sát nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh để kiểm tra toàn diện việc sử dụng đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê trên địa bàn tỉnh; xử lý các trường hợp theo từng loại vi phạm nhằm hạn chế việc sử dụng đất không đúng mục đích, đất bỏ trống
tạo nguồn lực phát triển cho tỉnh nhà. Dịp này, ông Phạm Thương Tý, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: "Ngành tài nguyên môi trường còn một số hạn chế nên chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Sau đợt khảo sát thực tế, chúng tôi sẽ khẩn trương giải quyết từng trường hợp cụ thể của các địa phương trong thẩm quyền cho phép...".
Ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Nhìn chung, các địa phương đã báo cáo khá chi tiết những khó khăn, bất cập đang tồn tại. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để đoàn giám sát đánh giá chính xác tình hình đấu giá, cho thuê và quản lý sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh. Từ đó, phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác đấu giá, cho thuê và quản lý đất công để báo cáo lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan nâng cao vai trò quản lý nhà nước, kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn để nguồn lực về đất công được phát huy đầy đủ và sẽ là nội lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Bài, ảnh: HUY HOÀNG