12/04/2019 - 10:31

Xem tranh dân gian ở Cần Thơ 

Bảo tàng TP Cần Thơ và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang phối hợp triển lãm tranh dân gian truyền thống Việt Nam. 64 tác phẩm tranh độc đáo, đại diện cho một số dòng tranh dân gian nổi tiếng từ xa xưa, phần nào giúp khách tham quan hiểu được về một nét văn hóa truyền thống và tài hoa mỹ thuật quý báu ở nước ta.

Cuối tuần, các em học sinh lại đến Bảo tàng TP Cần Thơ để xem tranh và thích thú thực hành in tranh dân gian theo sự chỉ dẫn của thuyết minh viên. Những tờ giấy dó thơm nồng, màu mực, khuôn in nhuốm màu thời gian, tạo nên những bức tranh dân gian độc đáo, quen thuộc trong tâm thức nhiều người. Nhiều em tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi tự in tranh trong lần đầu tiếp cận với môn nghệ thuật này.

Học sinh trải nghiệm in tranh tại triển lãm. 

Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tranh dân gian Việt Nam được lưu truyền trong thành thị và các làng quê, thôn xóm. Ngày nay, nhiều làng nghề làm tranh vẫn được gìn giữ, phát huy, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Việt trong cuộc sống hiện đại. Triển lãm lần này giới thiệu 64 bức tranh tiêu biểu trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với sự đa dạng của các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội) và một số tranh thờ: Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An)…

Nguy cơ mai một

Hiện nay, nhiều dòng tranh dân gian đang có nguy cơ mai một. Tranh Đông Hồ chỉ còn lại một vài gia đình theo nghề. Tranh Hàng Trống thì cả con phố chỉ còn duy nhất một gia đình giữ nghề xưa. Tranh Kim Hoàng sau thời gian mai một đang được phục dựng bởi nhóm nhà sưu tập tâm huyết. Tranh thờ của các dân tộc miền núi phía Bắc đang có nguy cơ thất truyền cao. Do vậy, những buổi triển lãm như tại Bảo tàng TP Cần Thơ thực sự có ý nghĩa trong quảng bá và lưu giữ văn hóa mỹ thuật xưa.

Nhìn mỗi tác phẩm xưa cũ nhưng tinh tế, màu sắc và đường nét thiện nghệ, cho thấy tài hoa của nghệ nhân xưa. Từ đó thấy rằng, mỗi dòng tranh có lối thể hiện rất riêng biệt, nội dung cũng rất phong phú. Nổi bật nhất là tranh tả cảnh sinh hoạt, cuộc sống lao động của nhà nông như: "Chợ quê", "Người nông dân với con trâu", "Tố nữ"... thuộc dòng tranh Hàng Trống; hay đề tài chúc tụng, cầu may như "Đại cát" - "Nghinh Xuân", "Vinh hoa" - "Phú quý" thuộc dòng tranh Đông Hồ. Và còn có dòng tranh thờ rất đặc sắc với ý nghĩa tâm linh, mang nhiều triết lý: "Quan Âm thuyết pháp" (tranh Độc Lôi, Nghệ An), "Thập điện Diêm vương" (tranh Vũ Di, Vĩnh Phúc)… Dù là đề tài nào thì các bức tranh vẫn mang ý nghĩa rốt cùng là thể hiện ước vọng về cuộc sống tốt đẹp, an yên.

Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tranh dân gian bao gồm tranh Tết và tranh thờ, xuất hiện từ lâu đời. Ngay từ thời nhà Mạc - vào thế kỷ XVI, dòng tranh dân gian đã thịnh hành, có mặt trong dịp Tết ở nhiều gia đình miền Bắc nước ta, với mục đích trang hoàng nhà cửa và trừ tà, cầu phúc. Qua các thời kỳ lịch sử, đến thế kỷ XVII - XIX, tranh dân gian đã có nội dung, hình thức ổn định và tiếp tục phát triển cao cho đến những năm đầu và giữa thế kỷ XX.

Tranh dân gian được làm ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng căn cứ vào địa danh, nội dung, kỹ thuật, sắc thái và chất liệu để định danh như các dòng tranh: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây cũ, Hà Nội ngày nay), Làng Sình (Thừa Thiên Huế)... Ngoài ra, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn kỳ công sưu tầm được số lượng lớn tranh thờ cổ độc bản được vẽ vào thế kỷ XVII- XIX ở đền Độc Lôi (Nghệ An), xã Vũ Di (Vĩnh Phúc) và ở một số tỉnh miền núi
phía Bắc.

Triển lãm tranh dân gian truyền thống ở Cần Thơ giúp người dân miền Tây hiểu hơn về một nét văn hóa cổ xưa và độc đáo, góp phần làm nên văn hóa Việt đậm đà bản sắc.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
tranh dân gian