15/02/2009 - 17:09

Xe buýt chở “ánh sáng Internet” ở Tunisie

Trẻ em truy cập Internet trên xe buýt.

Một chiếc xe buýt sang trọng chạy về hướng một ngôi làng xa xôi ở Tunisie (châu Phi) không phải là một cảnh tượng lạ. Tuy nhiên, chiếc xe buýt đến Ain Ek Misha mỗi tuần hai lần này không chở du khách đi dạo mà đang làm sứ mệnh mang “ánh sáng Internet” đến những vùng quê nghèo nàn. Chiếc xe mang dáng vẻ bình thường, nhưng bên trong là một trung tâm Internet di động. Nó đi khắp Tunisie để dạy cho người thuộc mọi lứa tuổi cách lướt web và tìm kiếm thông tin hỗ trợ học tập và tìm kiếm việc làm. Nó được hộ tống bởi một chiếc xe tải phụ, chở chảo vệ tinh và chân dựng. Kỹ sư Yusuf Saeed cho biết, đôi khi nhóm làm việc cũng gặp các trở ngại tự nhiên như ở vùng núi buộc họ phải xoay xở để đảm bảo kết nối, còn bình thường việc cung cấp kết nối băng thông rộng cho những máy tính trên xe hết sức dễ dàng. Chính phủ Tunisie cho biết chính sách của họ là mọi người dân sẽ có điều kiện tiếp cận máy tính, ngay cả ở những làng xa xôi.

Ain Ek Misha chỉ là một trong số các làng được phục vụ bởi đoàn xe buýt mang công nghệ số. Theo bà Soumaya Chelbi, người sáng lập tổ chức, điều quan trọng là mọi người dân Tunisie sẽ có một mặt bằng công nghệ bình đẳng và đảm bảo rằng họ biết cách sử dụng Internet một cách thông minh. Với số ít nhân viên, tổ chức bắt đầu với chỉ một chiếc xe nhưng hiện nay đã lên đến hơn 20 chiếc, thực hiện những chuyến đi giữa Thủ đô Tunis và các vùng xa xôi hẻo lánh. Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí và người dùng rất phấn khích về lợi ích của nó. Cậu bé 14 tuổi Ahmad rất vui mừng khi xe buýt đến và đã dẫn mẹ cùng bà ngoại theo để học cách sử dụng Internet liên lạc với người anh làm việc ở Pháp.

Đoàn xe buýt Internet thường tập hợp ở khu công nghiệp, nằm ở ngoại ô Tunis – nơi đặt văn phòng của Panasonic, Sony, Samsung và những tên tuổi lớn khác trong thế giới điện tử. Các xe buýt được cung cấp thiết bị bởi văn phòng địa phương của những tập đoàn quốc tế này. Còn một số công ty lớn khác đảm nhiệm phần bảo trì máy tính và đảm bảo phần mềm được cập nhật. Họ nhận thấy rằng việc phổ cập Internet sẽ mang lại lợi ích cho cả người dân Tunisie lẫn chính họ.

Khôi Minh (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết