01/03/2024 - 09:15

Xe buýt Cần Thơ ngày càng thuận tiện, hiện đại 

Những năm gần đây, hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt của TP Cần Thơ có bước chuyển mình mạnh mẽ. TP Cần Thơ tiếp tục mở rộng mạng lưới xe buýt, đầu tư phát triển hạ tầng xe buýt, phát triển công nghệ số… giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) dễ dàng và thuận tiện hơn.

Nâng cao chất lượng

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đang hoạt động 8 tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá. Bao gồm: CT-01 Ba Láng - Ô Môn; CT-02 Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - thị trấn Phong Điền - khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào; CT-03 Ô Môn - ngã ba Lộ Tẻ; CT-05 Ô Môn - Vĩnh Thạnh; CT-06 ngã ba Lộ Tẻ (Thốt Nốt) - Kinh B - kéo dài bến xe tỉnh Kiên Giang; CT-07 ngã ba Lộ Tẻ (Thốt Nốt) - thị trấn Cờ Đỏ; CT-10 Phong Điền - Thới Lai; CT-11 Ba Láng (quận Cái Răng) - khu công nghiệp Trà Nóc - Ô Môn. Để thu hút người dân sử dụng xe buýt, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị - Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ đẩy mạnh công tác tuyên truyền với đa dạng hình thức. Thời gian qua, trung tâm đã thực hiện 42 tấm bản đồ thông tin mạng lưới tuyến tại các nhà chờ xe buýt; 5.000 cuốn tập viết thông tin tuyên truyền; 50 tấm băng rôn; 40.000 tờ rơi. Cùng đó, tổ chức tuyên truyền qua các buổi hội nghị tại các điểm trường học như Đại học Cần Thơ, Đại học FPT và khu công nghiệp... Thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng mới và sửa chữa 70 nhà chờ và 431 trạm dừng xe buýt khang trang, hiện đại…

Tuyến xe buýt Ô Môn - ngã ba Lộ Tẻ là một trong những tuyến xe buýt thu hút đông đảo người dân sử dụng.

Về phía đơn vị khai thác các tuyến xe buýt, ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng Chi nhánh Cần Thơ Công ty CP Xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines, cho biết: Trong thời gian triển khai hoạt động xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ, công ty luôn tuân thủ phương châm "chất lượng là danh dự". Do đó, công ty quan tâm chất lượng phục vụ trên từng chuyến xe buýt và nhận được hưởng ứng tích cực của hành khách. Mặt khác, công ty đã và đang xây dựng phát triển hệ thống quản lý, điều hành chuyên nghiệp, sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin để quản lý, giám sát và vận hành các phương tiện xe buýt chạy đúng giờ, đúng tốc độ, đúng lộ trình, cải tiến. Đồng thời, phát triển các tính năng chuyển đổi số trong hoạt động xe buýt như thay đổi phương thức bán vé truyền thống qua phương thức bán vé tự động, thanh toán không tiền mặt qua QR-code...

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị, với những nỗ lực của thành phố trong thời gian qua, lượng hành khách sử dụng xe buýt trong năm 2023 tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, xe buýt thực hiện 2.352 chuyến với 17.988 lượt hành khách, so với cùng kỳ năm 2023 tăng lần lượt là 29% và 32%. Trong đó, có 5 tuyến xe buýt có lượng khách ổn định và có chiều hướng phát triển trong tương lai, các tuyến này kết nối đối lưu các tuyến như Rạch Giá - Kinh B; Long Xuyên - Lộ Tẻ; Sa Ðéc - Lộ Tẻ… thuận lợi cho việc người dân đi lại.

Tăng sức "hút" xe buýt

Ông Phạm Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu mở rộng các tuyến xe buýt mới trên địa bàn thành phố theo quy hoạch. Theo đó, trong quý I-2024, mở thêm 2 tuyến xe buýt, nâng tổng chiều dài tuyến xe buýt nội tỉnh trên địa bàn thành phố lên khoảng 400km. Trong quý II-2024, tiếp tục đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư khai thác 5 tuyến xe buýt liền kề…

Theo đó, ngày 10-3 tới, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị phối hợp Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines sẽ đưa vào hoạt 2 tuyến xe buýt mới không trợ giá trên địa bàn thành phố, gồm: CT-08 Cần Thơ - Giai Xuân - Phong Điền và CT-09 Phong Điền - Lộ tẻ Ba Se - Ô Môn. Hai tuyến buýt sử dụng 16 xe nhãn hiệu GAZ, sản xuất năm 2022, sức chứa 17 chỗ ngồi và 7 chỗ đứng, trang bị đầy đủ các tiện nghi như wifi, máy lạnh... Trong năm 2024, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ hoàn thành công tác xây dựng quy trình "Ðịnh mức - Ðơn giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố" làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá và mở rộng mạng lưới tuyến. Đồng thời, tham mưu trình UBND thành phố ban hành quyết định quy định nội quy tổ chức, quản lý, khai thác tuyến hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Mặt khác, thường xuyên rà soát, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt hiện hữu, nâng cao chất lượng dịch vụ; tiếp tục nghiên cứu phát triển, mở rộng khai thác các tuyến xe buýt để tăng cường năng lực kết nối hiệu quả giữa vùng ngoại thành đến trung tâm thành phố và khu vực lân cận. Ngoài ra, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC như bến xe buýt, điểm dừng, nhà chờ hiện đại, trạm trung chuyển xe buýt, hệ thống quản lý xe buýt thông minh...

Nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt, ông Nguyễn Văn Việt cho biết: Công ty phát hành các loại vé tháng đơn tuyến, liên tuyến cho hành khách thông thường và cho học sinh, sinh viên; phát triển mạnh về hình thức thanh toán tự động. Nhằm đảm bảo tính kết nối và đồng bộ, công ty sẽ tham gia dự thầu các tuyến xe buýt mới trên địa bàn thành phố hoặc các tuyến buýt liên tỉnh liền kề với thành phố. Song song đó, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, đẩy mạnh thu hút người dân sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, nâng cao chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực xe buýt. Tổ chức đào tạo để nâng cao về nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, an toàn giao thông của lái xe buýt...

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết