07/02/2023 - 10:21

Xây dựng Trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực thúc đẩy xây dựng Trung tâm Cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp vùng ÐBSCL. Trung tâm này không chỉ có chức năng nghiên cứu, trình diễn các công nghệ, máy móc và quy trình sản xuất tiên tiến mà còn cung cấp các dịch vụ CGH đồng bộ và thực hiện công tác đào tạo, hướng dẫn sử dụng máy nông nghiệp. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển sản xuất xanh, bền vững.

Máy nông nghiệp được trưng bày tại Sự kiện Cơ giới hóa nông nghiệp châu Á 2022 (Agritechnica Asia Live 2022) tại TP Cần Thơ.

Yêu cầu cấp thiết

ÐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, cung cấp phần lớn sản lượng lúa gạo và nhiều loại trái cây, thủy sản phục vụ xuất khẩu. Do vậy, việc xây dựng Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL là rất cần thiết nhằm thúc đẩy áp dụng CGH đồng bộ trong nông nghiệp của vùng và làm mô hình “điểm” để nhân rộng trong cả nước.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL là rất cần thiết nhằm góp phần khắc phục nhanh các bất cập về CGH hiện nay, nhất là CGH tự phát theo quy mô hộ nhỏ. Qua đó, hướng tới thực hiện CGH đồng bộ trong nông nghiệp trên quy mô lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các loại nông sản và thúc đẩy phát triển sản xuất xanh, bền vững. Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL ra đời giúp gắn CGH với tổ chức lại sản xuất, thay đổi cách tiếp cận CGH từ cấp nông hộ sang CGH đồng bộ trên quy mô lớn. Phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa tập trung được CGH đồng bộ. Ðồng thời, thúc đẩy nghiên cứu chế tạo máy móc thiết bị trong nước…

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT, những năm qua, việc áp dụng CGH trong nông nghiệp tại vùng ÐBSCL và nhiều địa phương trong cả nước đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, CGH ở nước ta còn phát triển tự phát và tiếp cận theo quy mô hộ bởi chúng ta còn thiếu các tổ chức để định hướng phát triển CGH mà chủ yếu các nông hộ tự trang bị máy. Nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc trong nước vẫn còn hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu, hiện có khoảng 70% máy nông nghiệp phải nhập khẩu. Người bán và người mua máy nông nghiệp còn thiếu thông tin và sự gắn kết với nhau. Nhiều người sử dụng máy chưa được đào tạo và huấn luyện bài bản để máy được sử dụng lâu bền và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Từ đó, dẫn đến việc áp dụng CGH còn manh mún và không đồng đều trên các lĩnh vực và khâu sản xuất các loại cây trồng vật nuôi. Quy mô áp dụng CGH cũng nhỏ do đa phần nông hộ còn gặp khó về tài chính và thường chỉ trang bị máy đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình, với công suất máy nhỏ và chưa khai thác tối đa được công suất của máy. Việc trang bị máy để cho thuê và đi làm dịch vụ còn hạn chế và mới chủ yếu tập trung vào một số khâu của quá trình sản xuất, kết quả là chi phí sản xuất còn cao...

Cần phối hợp giữa các bên

Ðể xây dựng Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL và thúc đẩy áp dụng CGH đồng bộ trong nông nghiệp rất cần có sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan.

Theo ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, CGH nông nghiệp không chỉ là câu chuyện đầu tư trang bị và hỗ trợ về máy móc, thiết bị công nghệ mà phải gắn với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Ðặc biệt, đối với những vùng sản xuất lớn như ÐBSCL, CGH không phải chỉ tập trung vào một số khâu của sản xuất mà phải theo chuỗi. Một nền nông nghiệp hiện đại cần phát triển được các chuỗi và trong cả chuỗi phải được CGH. Mặt khác, cần thay đổi tiếp cận về CGH, nông hộ chỉ cần trang bị một số loại máy móc đặc thù, còn lại những máy móc và dịch vụ CGH cần tổ chức lại trên không gian lớn hơn, quy mô vùng hoặc liên tỉnh, liên huyện… để đảm bảo phát huy công suất, hiệu quả sử dụng máy và nâng công suất hoạt động. Người sử dụng máy có kiến thức và được đào tạo, tập huấn thường xuyên. Thực hiện CGH nông nghiệp không chỉ dựa vào đầu tư của nông hộ mà cần huy động các nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, viện, trường, hợp tác xã… vào quá trình CGH. Ðẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản xuất và trình diễn các loại máy móc nội địa phù hợp nhu cầu. Ðể làm được những việc trên, nhiều nước trên thế giới họ đều có các trung tâm giới thiệu, trình diễn công nghệ và trung tâm CGH vùng. Ðây cũng là mô hình mà chúng ta đang mong muốn xây dựng.

Ðoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Trường Ðại học Cần Thơ nhằm thúc đẩy xây dựng Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL. Tại buổi làm việc, Ðoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã trao đổi, cung cấp các thông tin về sự cần thiết và yêu cầu trong xây dựng và phát triển Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL và mong muốn Trường Ðại học Cần Thơ liên kết, phối hợp để thực hiện. Qua trao đổi, 2 bên đã thống nhất hợp tác và phối hợp thúc đẩy xây dựng Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL. Theo GS. TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, đơn vị sẽ tổng hợp các nội dung tại buổi làm việc và xây dựng biên bản cụ thể để gửi các đơn vị chuyên môn của Bộ góp ý để hoàn chỉnh nhằm xác định rõ các nội dung, kế hoạch phối hợp thực hiện để bắt tay làm ngay.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Bộ rất hoan nghênh sự ủng hộ tham gia của Trường Ðại học Cần Thơ trong xây dựng Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL. Trung tâm này được định hướng hình thành theo mô hình đơn vị xã hội hóa, đơn vị sự nghiệp, với sự tham gia của Nhà nước, các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức tín dụng, trong đó Nhà nước có các hỗ trợ về cơ chế, chính sách và định hướng về mô hình hoạt động. Bộ muốn giao Trường Ðại học Cần Thơ chủ trì phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cùng các bên liên quan để thực hiện đề án xây dựng Trung tâm CGH nông nghiệp vùng ÐBSCL. Trung tâm được thành lập gắn với Trường Ðại học Cần Thơ là rất hay vì một trong những mục tiêu quan trọng mà trung tâm hướng tới đầu tiên là vấn đề đào tạo, nâng cao kiến thức, tư duy của người sản xuất và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển ngành cơ khí…

Chia sẻ bài viết