21/06/2019 - 08:02

Xây dựng tính tự lập 

Tính tự lập giúp các bạn trẻ vững vàng hơn trong cuộc sống. Nhưng để rèn luyện được tính tự lập đòi hỏi các bạn trẻ sự kiên trì và làm việc có kế hoạch.

Thúy Huỳnh (bìa trái) tư vấn mỹ phẩm cho khách hàng.

► Tự lập vì tương lai

Năm 2015, Nguyễn Thị Thúy Huỳnh (23 tuổi) từ xã Trường Long, huyện Phong Điền ra quận Ninh Kiều ở trọ để luyện thi. Sau khi đậu đại học (ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Cần Thơ), Thúy Huỳnh đã làm thêm nhiều việc để trang trải chi phí học tập, như: phục vụ quán cà phê, nhân viên lễ tân, gia sư… Hiện nay, Thúy Huỳnh bán mỹ phẩm cho một công ty. Buổi tối, Huỳnh tham gia dạy thêm ở hai chỗ. Hiện nay, thu nhập các công việc của Huỳnh được gần 7 triệu đồng/tháng. “Gia đình đông chị em nên tôi đã xác định tự lập để cha mẹ tập trung lo cho hai em đang học trung học cơ sở. Vì ngành học của tôi chú trọng nhiều các kỹ năng nói, viết nên để có thời gian đi làm tôi phải tự học rất nhiều. Cùng với kiến thức được học trên lớp, tôi nghiên cứu thêm kiến thức, kỹ năng trên Internet và mạng xã hội” – Thúy Huỳnh cho biết.

Khi còn học trung học phổ thông, Nguyễn Xuân Vinh (22 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang) đã tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Vào đại học (lớp Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử khóa 4, Trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ), Vinh phải học tính tự lập cao trong các công việc học tập và cả về tự lập kinh tế. Vì vậy, năm thứ nhất đại học, Vinh đã đi làm thêm cho các quán ăn. Từ năm thứ hai đến nay, Vinh đã vận dụng kiến thức học được để làm các sản phẩm điều khiển thiết bị điện tự động cung cấp cho người có nhu cầu sử dụng. Theo Xuân Vinh, ở môi trường đại học sẽ không có ai nhắc nhở về việc học hay cách phát huy năng lực của bản thân. Vì vậy, mọi việc cá nhân Vinh đều phải tự giác. Xuân Vinh đã tự học tập thêm các kiến thức chuyên ngành từ Internet, tự tìm tòi về cách sử dụng các phần mềm, tiếng Anh để chuẩn bị một hành trang vào đời phía trước.

► Cơ hội rộng mở

    4 năm qua, Phạm Thị Thùy Linh, sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường Trường Đại học Cần Thơ luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Nhờ vậy, Thùy Linh đã nhận được học bổng của nhiều chương trình, với số tiền khoảng 50 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, Linh lo được những chi phí học tập. Tuy nhiên, Thùy Linh vẫn đi làm thêm nhiều công việc, như: làm hoa giả, bán kẹo kéo… Linh cho biết “Tôi có tiền sử bệnh tim nên sức khỏe không được tốt. Vì vậy việc đi học xa nhà đòi hỏi tôi sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý để có thể đạt thành tích cao và bảo đảm sức khỏe. Việc học tốt đã giúp tôi có nhiều cơ hội khi các đơn vị từng trao học bổng muốn mời tôi về làm việc sau khi ra trường”.

Thời gian đi làm thêm đã giúp Thúy Huỳnh có nhiều mối quan hệ cũng như nhiều cơ hội việc làm sắp tới. Do đó, Huỳnh đang cân nhắc lựa chọn công việc phù hợp với bản thân. Mặc dù vậy, việc tự lập cũng khiến Huỳnh gặp nhiều khó khăn khi sống một mình. Ngoài gặp áp lực tiền bạc để trang trải cuộc sống, Huỳnh còn đối mặt với khó khăn khi bị bệnh. Thúy Huỳnh cho biết: “Tôi nghĩ muốn tự lập thì cần quản lý thời gian hợp lý và có tinh thần vượt khó bền bỉ. Vì làm việc nhiều sẽ không đi học được. Còn tập trung vào việc học thì không thể kiếm tiền để lo chi phí cho bản thân. Có khi tôi làm không đủ tiền ăn, trả tiền thuê nhà trọ nhưng tôi luôn động viên bản thân vượt qua. Cuộc sống tự lập đã giúp tôi có nhiều kinh nghiệm sống, có những kỹ năng để xử lý những va chạm trong cuộc sống”.

Theo Nguyễn Xuân Vinh, lúc mới về Cần Thơ học, Vinh gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn vì mọi thứ phải tự tìm tòi học hỏi. Dù có nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian nỗ lực, Vinh đã ổn định việc học tập. “Khi tự lập, các bạn trẻ cần trang bị cho mình tính kỷ luật, kiên trì, nhẫn nại. Và đặc biệt là biết tự đứng lên từ chính nơi mình vấp ngã. Các bạn cần có một tâm thế sẵn sàng đối mặt với thất bại, khó khăn. Vì như thế sẽ giúp các bạn có một cuộc sống dễ dàng hơn sau khi đi làm” – Vinh chia sẻ.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết