05/08/2015 - 20:32

Xây dựng đội ngũ công chức tư pháp đáp ứng yêu cầu

Đăng ký và quản lý hộ tịch là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với cả người dân và nhà nước. Việc đăng ký hộ tịch tạo cơ sở pháp lý để người dân hưởng các quyền con người, quyền công dân, thông qua đó giúp cho nhà nước bảo hộ tốt hơn các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, Quốc hội đã thông qua Luật Hộ tịch có hiệu lực ngày 1-1-2016. Để đảm bảo Luật Hộ tịch đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thì việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức Tư pháp - Hộ tịch (TP-HT) là một vấn đề quan trọng và cấp bách trong thời gian tới…

Tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, xác định cần "Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh". Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị cũng xác định phương hướng cải cách tư pháp tới năm 2020 là "Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ". Do đó, tại điều 72 Luật Hộ tịch có quy định cụ thể: Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch; có chữ viết rõ ràng và trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc. Căn cứ điều kiện thực tế về diện tích, dân số, khối lượng công việc tư pháp, hộ tịch của địa phương, Chính phủ quy định việc bố trí công chức TP-HT đảm nhiệm công tác hộ tịch chuyên trách. Công chức làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp phải có trình độ cử nhân luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

Cán bộ tư pháp thị trấn Thới Lai tiến hành hòa giải cho người dân ở địa phương.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước hiện có 17.252 công chức TP-HT cấp xã, trong đó 48,9% đơn vị cấp xã đã có từ 2 công chức TP-HT trở lên hoặc đã bố trí cán bộ hợp đồng để hỗ trợ thực hiện công tác tư pháp tại cấp xã. Về chất lượng tỷ lệ công chức TP-HT có trình độ trung cấp (nói chung) chiếm trên 96,5%, trong đó có 78,3% cán bộ TP-HT cấp xã đã có trình độ trung cấp luật trở lên. Về đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện hiện có 3.150 công chức làm công chức hộ tịch tại phòng tư pháp của 704 đơn vị cấp huyện trên cả nước. Tuy nhiên, xuất phát từ sự phân bố dân cư, nhu cầu công việc và tình hình cụ thể tại mỗi địa phương nên sự phân bổ biên chế tại các phòng tư pháp thuộc các tỉnh, thành phố không đồng đều. Về chất lượng, hiện có 2.455/3.150 công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện có trình độ đại học luật trở lên (chiếm tỷ lệ gần 78%). Như vậy, còn đến 700 người (khoảng 22%) trên tổng số cán bộ công chức là công tác hộ tịch cấp huyện hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn, trình độ cử nhân luật theo quy định của Luật Hộ tịch.

Bà Lê Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, số lượng cán bộ công chức TP-HT trên địa thành phố Cần Thơ gần như đáp ứng đủ nhu cầu. Thành phố hiện có 164 cán bộ TP-HT trên 85 xã, phường, thị trấn, trong đó 95% cán bộ TP-HT có trình độ từ trung cấp trở lên. Do đó, Sở đang tiến hành rà soát lại số lượng cũng như chất lượng đội ngũ công chức TP-HT trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ công chức TP-HT trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ tư pháp cần sớm thực hiện công tác bồi dưỡng và có văn bản hướng dẫn cụ thể để cán bộ sớm tiếp cận và thực hiện khi Luật Hộ tịch có hiệu lực và đi vào cuộc sống.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật hộ tịch mới diễn ra gần đây, ông Lê Tiến Châu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ tư pháp, đánh giá: Với kết quả thống kê cho thấy số lượng, chất lượng công chức TP-HT cấp xã trên cả nước hiện nay chưa đạt yêu cầu. So với yêu cầu của Luật Hộ tịch, thì còn trên 22% công chức TP-HT cấp xã (gần 4.000 người) cần được đào tạo trình độ trung cấp luật. Do đó, để công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức TP-HT cấp xã đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch, các địa phương cần lưu ý một số vấn đề như: giai đoạn 2016-2020 được coi là giai đoạn chuyển tiếp công chức TP-HT hoàn thiện yêu cầu đào tạo, đáp ứng tiêu chuẩn; hàng năm cần thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, bảo đảm công chức TP-HT luôn được cập nhật, hâm nóng kiến thức và trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ quan tư pháp địa phương cần chủ động tham mưu cho UBND phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch hàng năm đối với công chức TP-HT. Bên cạnh đó, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1-1-2016, tất cả các địa phương trong cả nước chỉ tuyển dụng mới công chức làm công tác hộ tịch đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo Luật Hộ tịch (công chức TP-HT cấp xã tối thiểu phải có bằng trung cấp luật; công chức TP-HT cấp huyện phải có trình độ cử nhân luật).

Ông Lê Tiến Châu, cho biết thêm: Cần tách bạch rõ công tác đào tạo chuyên môn và bồi dưỡng nghiệp vụ để có kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, mỗi địa phương cần có chiến lược, quy hoạch để xác định sử dụng công chức TP-HT lâu dài, bảo đảm tính chuyên nghiệp, bảo đảm đến năm 2020, 22% số công chức TP-HT được đào tạo trung cấp luật. Đối với những người đã có bằng đại học chuyên ngành khác, nếu vẫn bố trí làm công tác hộ tịch, thì cần có kế hoạch đào tạo theo hình thức chuyển đổi bằng, thời gian sẽ ít, nên bắt đầu từ năm 2017. Bên cạnh đó, những nơi đã có 2 công chức TP-HT thì các phòng tư pháp cần đề xuất UBND cấp huyện quyết định về việc bố trí 1 trong 2 công chức đó làm công tác hộ tịch chuyên trách. Vì như vậy mới tạo điều kiện cho công chức TP-HT có thời gian chuyên tâm vào công việc đăng ký hộ tịch, bảo đảm quyền lợi cho người dân và giúp UBND thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn.

Bài, ảnh: P.Nguyễn

Chia sẻ bài viết