28/08/2018 - 21:50

Xác định rõ mục tiêu để có hướng đi đúng 

TP Cần Thơ hiện có 28/36 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, cho thấy, công cuộc xây dựng xã nông thôn mới của thành phố đã đi vào chặng cuối và bắt đầu chuyển mình sang giai đoạn mới - xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Từ đây, mỗi huyện, mỗi xã đã xác định mục tiêu, hướng đi riêng cho mình dựa trên nhu cầu phát triển từ thực tiễn cũng như khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Lãnh đạo thành phố tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi dê tại xã nông thôn mới Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh.

* Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ: Xây dựng nông thôn mới thường xuyên, liên tục và có chiều sâu

Vừa qua, TP Cần Thơ đã ban hành Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020. Theo đó, các xã sau khi đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020. Từ đó tạo nền tảng tiến lên xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện thành phố cũng chọn thí điểm 2 xã Nhơn Ái và Tân Thới (huyện Phong Điền) để bắt tay xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, yêu cần phải có của xã nông thôn mới kiểu mẫu là phải đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Điều này cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng có tính bao quát, được thực hiện xuyên suốt, liên tục và đi vào chiều sâu.

Để bắt đầu cho hành trình mới, thành phố đã và đang phối hợp với cấp huyện, xã đề ra nhiều giải pháp sát hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu địa phương. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, bám sát phương châm “dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”. Qua đó, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ mục đích, nội dung, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong việc giúp người dân chuyển biến về mặt nhận thức, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp đưa XDNTM thành phố vào cuộc bứt phá mới.

* Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền: Từ huyện nông thôn mới đến huyện đô thị sinh thái

Với lợi thế phát triển vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái, sau khi được công nhận huyện nông thôn mới (năm 2015), Phong Điền xác định tiếp tục xây dựng huyện đô thị sinh thái từ nền tảng huyện nông thôn mới. Năm 2016, huyện Phong Điền chọn chủ đề: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng chất lượng huyện nông thôn mới”; năm 2017 là: “Huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới theo hướng đô thị sinh thái” và năm 2018 với chủ đề “Quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái; phát triển du lịch”. Song song đó, huyện đã xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng các tiêu chí XDNTM giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện Phong Điền và đang trong giai đoạn chờ UBND thành phố phê duyệt. Điều này cho thấy vấn đề nâng chất tiêu chí nông thôn mới và phát triển đô thị sinh thái được chúng tôi hết sức quan tâm và được tổ chức thực hiện xuyên suốt. 

Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng GAP (quy mô từ 30ha trở lên) gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đơn cử như: vú sữa (xã Giai Xuân), sầu riêng (xã Tân Thới), dâu (xã Nhơn Ái), nhãn (xã Nhơn Nghĩa)... Song song đó, huyện tập trung nâng cấp, tạo cảnh quan xanh trên các tuyến giao thông cả đường bộ và đường thủy. Đơn cử như trồng hoa các tuyến lộ giao thông, trồng cây chống sạt lở gắn với xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, góp phần tạo cảnh quan sinh thái gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các xã tập trung xây dựng các tuyến cảnh quan môi trường trên các tuyến đường, thực hiện phát quang lộ giao thông nông thôn, duy trì và nhân rộng mô hình hoạt động của các tổ thu gom rác thải sinh hoạt...

* Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: Tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu huyện nông thôn mới

Vĩnh Thạnh đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm nay. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Thạnh đang tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu này thông qua các nhóm giải pháp về: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; rà soát, điều chỉnh, bổ sung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của người dân; hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ và quy mô hơn; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đảm bảo vệ sinh môi trường, tập trung chỉnh trang nông thôn theo hướng nông thôn mới nâng cao...

Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào XDNTM, chúng tôi đã xác định đích đến cuối cùng của chương trình là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; chú ý phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Các xã thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình GAP; ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động người dân thực hiện chỉnh trang hàng rào, cột cờ; trồng cây xanh, hoa kiểng trên các tuyến đường để tạo cảnh quan nông thôn mới sáng-xanh-sạch-đẹp...

* Ông Lương Duy Khanh, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai: Quyết tâm về đích đúng hẹn

Kết quả rà soát, đánh giá theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, Tân Thạnh đạt 15/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông (tiêu chí số 2), cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6), thu nhập (tiêu chí số 10), y tế (tiêu chí số 15).

Để hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt cũng như nâng chất các tiêu chí đã đạt, từng bước tiến tới danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới (dự kiến tháng 11-2018), Tân Thạnh đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực. Đơn cử như tiêu chí giao thông, chúng tôi tiếp tục thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” (Nhà nước 40%, nhân dân 60%) đối với đường giao thông nông thôn 2m. Tuyến đường 4m Trà Vơ lớn (bên phải) sẽ được đầu tư theo hướng Nhà nước làm bê tông mặt đường, nhân dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc... Về tiêu chí thu nhập, xã cũng phối hợp với Chi cục Thống kê huyện để tiến hành điều tra, thống kê xác định mức thu nhập của người dân trên địa bàn. Song song đó, xã phối hợp với các ấp lựa chọn những nội dung thiết thực để vận động, khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân chung sức, đồng lòng XDNTM. Trong đó, chú trọng đến công tác giám sát bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và an toàn xã hội trên địa bàn...

MỸ THANH (lược ghi)

Chia sẻ bài viết