21/01/2008 - 08:52

Vượt qua nghịch cảnh

“Nhìn các con khôn lớn, trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn, tôi vui mừng khôn xiết. Vậy mà cách nay 10 năm, khi chồng tôi lâm bạo bệnh qua đời, quá quẫn trí, tôi suýt cho mấy mẹ con uống thuốc chuột cùng chết, vì cứ nghĩ cuộc sống không còn lối thoát...”. Lời bộc bạch rất chân tình của chị Trương Thị Khoa, ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều, khiến bất cứ ai một lần nghe chị kể về quãng đời gian nan, cơ cực cũng đều muốn chia sẻ, cảm thông...

Vất vả mưu sinh

Từ tấm bé đến lúc làm mẹ của 5 đứa con, chị Khoa sướng ít, khổ nhiều, nhưng chị đã kiên cường đọ sức với số phận và vững chãi vươn lên. Sinh trưởng trong gia đình nghèo ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, học đến lớp 10, chị Khoa phải nghỉ để tiếp giúp gia đình. Chị đảm đang nhiều việc trong nhà, từ ruộng rẫy, heo gà, đến bưng bánh bò, bánh bèo bán dạo... và còn làm thợ may 4 năm.

Bận bịu chăm lo cho người thân, đến năm 27 tuổi, chị Khoa mới lập gia đình với anh Nguyễn Văn Thi, ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Cha mất lúc anh Thi mới 13 tuổi. Là con trai lớn, anh Thi phải thôi học chữ và theo học nghề tiện, trở thành thợ tiện giỏi nuôi cả nhà.Về làm dâu, chị thay anh quán xuyến nhà cửa, con cái, với tâm nguyện cùng chồng kề vai chung sức gầy dựng tương lai cho các con.

Mỗi lần về thăm nhà vào dịp cuối tuần, chị Khoa vào bếp nấu cho các con bữa cơm ngon.

Nhà chị Khoa rất giản dị, bài trí gọn gàng, tạo cảm giác ấm cúng, thân thiện với bức ảnh cưới của chị cùng nhiều giấy khen của các thành viên trong gia đình. Thắp nén hương bàn thờ người chồng quá cố trang trọng đặt giữa nhà, chị Khoa quay sang nói, giọng xúc động: “Biến cố lớn nhất cuộc đời tôi là thời gian chồng tôi đổ bệnh ngặt nghèo rồi qua đời...”. Gởi con cho bà nội, chị khăn gói đi nuôi chồng hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Hết sạch tiền của dành dụm bấy lâu, phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, nhưng anh Thi vẫn không qua khỏi.

Năm 1997, lo xong hậu sự cho chồng, chị vẫn chưa ổn định tinh thần. Nhìn các con, lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi, ngơ ngác như gà lạc mẹ, lòng dạ chị rối bời. Rồi chạnh nhớ đến số nợ chất chồng... khiến chị nảy sinh suy nghĩ dại dột: “Nấu nồi cháo thịt thật ngon, cho thuốc chuột vào, mấy mẹ con ăn bữa cuối rồi cùng chết theo anh Thi...”. Đưa tay xoa lồng ngực để nén xúc động, chị Khoa nói tiếp: “Mãi đến sau này, nhớ lại lần ấy, tôi luôn tự vấn lương tâm mình và tự nhủ phải hết lòng bù đắp cho các con”.

Một đời hy sinh cho các con

Được bà con chòm xóm động viên, hai bên gia đình giúp đỡ, chị Khoa dần nguôi ngoai nỗi đau và quyết tâm làm việc nuôi con, với tâm nguyện không để các con thất học. Dốc hết vốn liếng, tờ mờ sáng, chị đạp xe ra chợ Cần Thơ mua cá biển về chợ Cái Răng bán lại để trang trải các khoản chi tiêu vừa trả nợ dần. Được một thời gian, chị bắt tay làm các món bánh trước đây được mẹ chỉ dạy để bán. Nguyên liệu được chuẩn bị từ buổi chiều, đến 10 giờ tối bắt đầu gói và nấu bánh tét đến sáng. Thấy mẹ quá bận rộn, các con sắp xếp việc học, phụ tiếp việc rọc lá, lau lá, cột bánh... Chị Khoa khoe: “Tôi làm bánh tét “độc chiêu” lắm nên bán rất chạy. Nhờ vậy mới lo bữa cơm của tụi nhỏ có miếng cá, mẩu thịt...”.

Năm 1999, được người quen giới thiệu, chị Khoa đi giúp việc nhà cho một vài chủ ở quận Ninh Kiều. Lúc đầu mới nhận việc, chị rất lúng túng trước cách sinh hoạt, tiện nghi gia đình hiện đại, nhưng chị đã học hỏi, làm quen để thích nghi dần. Với bản tính hiền lương, chăm chỉ, chị được chủ nhà yêu mến và xem như người thân trong gia đình. Gần 4 tháng nay, chị Khoa nhận lời ở luôn tại nhà để kề cận chăm sóc bà chủ nhà nay đã già yếu, cuối tuần mới về thăm các con. Dù không có chị ở cạnh bên chăm sóc, các con chị vẫn chuyên cần học hành và giỏi giang việc nhà.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Bình, cho biết: “Chị Khoa là tấm gương người mẹ suốt đời phấn đấu, hy sinh cho các con. Chị không nệ hà cực khổ, vất vả, miễn sao có thêm thu nhập nuôi các con”. Gia đình chị Khoa là hộ nghèo của phường nên mọi khoản đóng góp của các cháu đều được giảm nên chị cũng nhẹ lo. Năm 2004, Hội Phụ nữ khu vực vận động chị Khoa tham gia sinh hoạt nhóm PNTK, được vay vốn làm ăn. Năm 2005, Hội Phụ nữ phường vận động hội viên đóng góp kinh phí 5 triệu đồng sửa chữa, nâng nền căn nhà đã xập xệ của chị. Đoàn Thanh niên còn hỗ trợ lợp lại mái nhà bằng tôn... Chị Khoa đã rất xúc động khi đón nhận những sự giúp đỡ này và tâm nguyện lấy đó làm nền tảng vươn lên. Năm 2007, chị Khoa đã trả sổ hộ nghèo.

Chị Khoa trân trọng từng sự nỗ lực và thành quả dù rất nhỏ của các con, mà theo chị “chỉ có ở những người từng trải cảnh khốn khó”. Con gái đầu lòng Nguyễn Thị Quí, người đỡ đần, chia sẻ khó khăn với chị nhiều nhất, quyết tâm thi 3 lần để vào đại học Kinh tế. Quí thay mẹ chăm sóc, kiểm tra việc học hành, sinh hoạt của các em. Tốt nghiệp ra trường, Quí về làm Phó Bí thư Đoàn phường An Bình. Con trai thứ ba Nguyễn Văn Mến, hiện là sinh viên năm thứ 4, khoa Sư phạm Pháp văn, Trường Đại học Cần Thơ. Mến học rất khá và được nhận học bổng hàng tháng. Mỗi ngày, Mến đều nấu cơm mang theo để đỡ tốn tiền ăn trưa. Mến còn tranh thủ dạy kèm tư gia để phụ lo chi tiêu với mẹ... Chị Khoa khoe: “Dành dụm mãi Mến mới mua được bộ máy vi tính để phục vụ việc học hành của mấy chị em. Nó còn tính đăng ký làm thêm buổi tối ở nhà hàng tại bến Ninh Kiều vừa có dịp trau dồi ngoại ngữ vơi người nước ngoài, vừa có thêm thu nhập...”. Em Nguyễn Thị Hiếu, sinh viên năm thứ 3 ngành Tài chánh - Ngân hàng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: Em đang cố gắng xin việc làm để phụ tiếp gia đình, cho mẹ nhẹ gánh lo...

Tiễn tôi ra về, chị Khoa nói như phân bua: “Tụi nhỏ nói đã tự lo chi tiêu trong gia đình, tôi khỏi phải vất vả đi làm, nghỉ ngơi được rồi. Nghe tụi nhỏ nói vậy, tôi rất vui nhưng tôi nghĩ mình mới 52 tuổi, còn làm việc được. Vả lại, tôi phải có bổn phận lo cho 2 đứa nhỏ còn đi học, rồi tình nghĩa bấy lâu nay với bà chủ nhà, bỏ sao đành. Ráng làm vài năm nữa rồi nghỉ...”. Giọng người phụ nữ nặng gánh lo toan đong đầy tình nghĩa và trách nhiệm...

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết