09/05/2021 - 19:38

Vượt qua ngày quá tải... 

Áp lực trong cuộc sống hiện đại đến từ nhiều phía, công việc, gia đình, các mối quan hệ xã hội, môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu… Dịch bệnh COVID-19 càng gia tăng căng thẳng lên nhiều người, đôi khi quá sức chịu đựng. Các bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần gọi đó là tình trạng quá tải, kiệt sức, nếu không được phát hiện, hỗ trợ điều trị kịp thời sẽ rơi vào giai đoạn trầm cảm, ảnh hưởng nặng nề chất lượng sống của người bệnh. 

Ths.BS Trần Thiện Thắng tư vấn tâm lý cho khách hàng.

Ths.BS Trần Thiện Thắng tư vấn tâm lý cho khách hàng.

Chị Mỹ Danh (40 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cùng chồng từ tỉnh Bạc Liêu lên TP Cần Thơ lập nghiệp hơn 15 năm qua. Khởi điểm từ hai bàn tay trắng, đến nay, anh chị tạo dựng được một công ty xây dựng có uy tín. Gia đình, người thân đều nể trọng vì sự nỗ lực vượt khó của đôi vợ chồng đồng lòng. Bên cạnh niềm tự hào về những thành quả đạt được, chị Danh thường tâm sự với bạn bè về những khó khăn chị phải gồng mình vượt qua. Chồng chị thường xuyên đi giám sát công trình ở tỉnh xa, chị ở nhà xoay xở vốn liếng, tính toán thu chi, quản lý nhân sự và trăm thứ liên quan đến việc kinh doanh. Chị còn chăm sóc, nuôi dạy con trai đang học tiểu học... “Có những ngày mệt quá, muốn bật khóc mà không có nước mắt để khóc”- chị Danh than thở.

Theo Ths.BS Trần Thiện Thắng, Giảng viên chuyên ngành tâm lý, sức khỏe tâm thần, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tình trạng của chị Danh và những trường hợp tương tự gọi là “Burnout”, tạm dịch là “kiệt sức” hay “quá tải”, hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là đang rơi vào giai đoạn trầm cảm. Khi phải chịu đựng áp lực kéo dài từ công việc, cuộc sống hay các sang chấn tâm lý, phần lớn mọi người sẽ rơi vào trạng thái “kiệt sức”. Nếu không được can thiệp và điều trị phù hợp có thể dẫn đến trầm cảm, là một bệnh lý liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh, làm người bệnh trở nên bi quan, tuyệt vọng và thậm chí tự sát.

Người trong giai đoạn “quá tải”, “kiệt sức” có nhiều biểu hiện giống giai đoạn đầu của trầm cảm như dễ cáu gắt, giận dữ hay buồn bã hơn so với thời gian trước đó. Một số người mất hứng thú hoặc không cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống. Giảm năng lực, nhiệt tình trong công việc, thiếu tập trung, giảm khả năng xử lý và giải quyết vấn đề hay gặp. Một số biểu hiện khác là ngủ không ngon giấc, mất cảm giác ngon miệng và sụt cân. Suy nghĩ, tư duy tiêu cực, bi quan, thậm chí một số có suy nghĩ và hành vi tự làm đau bản thân để giải tỏa tâm lý căng thẳng như tự cắt tay. Tuy nhiên, nếu được can thiệp tâm lý sớm và nghỉ ngơi thích hợp, các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng. Đối với người trầm cảm, các triệu chứng trở nên dai dẳng, kéo dài và có thể phải dùng thuốc để điều trị.

Theo ghi nhận của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhiều người không nhận ra tình trạng của bản thân, một số ít biết bản thân bị bệnh nhưng không biết tìm sự trợ giúp từ đâu, đặc biệt cũng có trường hợp ngại đến bệnh viện (BV) tâm thần để khám vì sợ bị kỳ thị, sợ phải uống thuốc…

TP Cần Thơ có BV chuyên khoa tâm thần, tiếp nhận điều trị cho người mắc các bệnh lý tâm thần ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL và một số địa chỉ khác liên quan đến hỗ trợ điều trị tâm thần như BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, BV Nhi đồng TP Cần Thơ và Phòng Khám tâm lý Cần Thơ. Tại Phòng khám tâm lý, các bác sĩ có thời gian để lắng nghe, phân tích các vấn đề về tâm lý, hành vi của người bệnh để tư vấn cách điều trị phù hợp. Đối với các rối loạn nặng, có liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh và não bộ, bác sĩ sẽ giải thích cặn kẽ về bệnh cũng như tác dụng của thuốc, lộ trình điều trị để giúp người bệnh yên tâm tuân thủ và theo đuổi điều trị.

Theo Ths.BS Trần Thiện Thắng, người gặp phải tình trạng quá tải nên phân bổ công việc, thời gian hợp lý, đặc biệt là thời gian ngủ vì khi “kiệt sức” hiệu quả công việc bị giảm sút. Trường hợp có quá nhiều việc và cảm thấy chán chường không muốn bắt đầu hay không biết bắt đầu từ đâu, chúng ta nên viết các công việc, mục tiêu cần làm ra giấy, chia thành nhiều công đoạn nhỏ hơn, như vậy sẽ dễ phân bổ thời gian cũng như bắt tay vào việc. Song song đó, dành thời gian cho bản thân để hồi phục, tái tạo lại sức khỏe thể chất lẫn tinh thần như nghỉ trưa 20 phút, dành 30 phút buổi chiều tập thể dục, trò chuyện cùng người thân, bạn bè hay làm việc nhà là những cách đơn giản giúp cân bằng trong ngày. Chúng ta cũng cần tập suy nghĩ tích cực ngay từ những sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, dần dần sẽ hình thành lối tư duy tích cực, như vậy mới dễ dàng cảm nhận một cuộc sống đầy thú vị và vui vẻ.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết